Nếu như ca sĩ thường ám ảnh với vấn đề hát sai lời khi đang biểu diễn trực tiếp trên sân khấu thì giáo viên đứng trên bục giảng cũng có một kiểu tai nạn nghề nghiệp tương tự: giảng nhầm, giảng chưa đúng kiến thức…
Học sinh THPT đứng lớp giảng bài trong hoạt động “Một ngày làm giáo viên” (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Mở rộng bài học – con dao hai lưỡi
Khung chương trình của từng bài học, từng môn học đã có quy định bởi các văn bản như đề cương môn học, giáo trình giáo án chung, khung phân phối nội dung cần đạt của từng bài, từng chương, từng buổi. Tuy vậy, ngoài khối lượng kiến thức chung theo quy định, trong quá trình giảng dạy, đa phần giáo viên đều dành một khoảng thời gian nhất định để mở rộng phạm vi bài học bằng các liên hệ thực tế, các ví dụ liên môn, liên ngành, hoặc các thông tin kiến thức xã hội thường thức trong cuộc sống. Sự mở rộng này thường được học sinh, sinh viên nhiệt tình quan tâm và ủng hộ. Vì chính người học cũng luôn có nhu cầu được tìm hiểu những thông tin ngoài giới hạn khung chương trình. Những liên hệ thực tiễn giúp người học hiểu sâu, hiểu kỹ hơn các vấn đề thuộc lý thuyết, tăng cường tính ứng dụng của kiến thức. Những ví dụ, so sánh, liên hệ cũng giúp người học rèn luyện tư duy hệ thống, tư duy liên tưởng và tư duy sáng tạo.
Khi phát hiện bản thân đã giảng nhầm hoặc cung cấp chưa đúng thông tin kiến thức, dù là ngay tại buổi học hay sau khi đã kết thúc buổi học, thầy cô phải đính chính với người học. Thầy cô cũng là người thường, cũng có lúc nhớ nhầm, nhớ sai; đừng vì lo lắng mất hình tượng mà quá câu nệ vấn đề này. Nếu tình huống người học phát hiện và phát biểu cho rằng thầy cô giảng sai thì thầy cô cần cảm ơn và tuyên dương. Mặt khác, khi phát hiện thầy cô giảng sai, người học cũng cần có thái độ và cách ứng xử lễ phép phù hợp. |
Lợi ích từ việc mở rộng kiến thức bài học là không thể phủ nhận. Song, đây cũng chính là lúc người dạy có thể bị rơi vào tình huống giảng nhầm, giảng sai về kiến thức. Có thể do không làm chủ được vấn đề mà mình chưa nắm vững, có thể do kiến thức có phần khác biệt với lĩnh vực chuyên môn của bản thân, nên đôi lúc người dạy sẽ vướng phải việc đưa ra những thông tin hoặc những nhận định chưa thật phù hợp, chưa thật chính xác. Trong bối cảnh xã hội thông tin và công nghệ phát triển như hiện nay, người học dễ dàng tra cứu để kiểm chứng lại các thông tin này.
Luôn cập nhật kiến thức mới
Ngại ngùng và lo lắng trong việc có thể giảng nhầm, giảng sai kiến thức, nhiều giáo viên đã quay lưng với việc mở rộng kiến thức bài học, chỉ giảng vừa đủ những nội dung có trong giáo trình, giáo án. Biện pháp này chỉ có ý nghĩa áp dụng tức thời. Vì thực tế, xã hội luôn phát triển, kiến thức mới luôn hình thành từ thực tiễn cuộc sống, yêu cầu thầy cô phải luôn tự mình tìm hiểu, trau dồi, nghiên cứu. Ngay cả giáo trình, giáo án, sách giáo khoa cũng đều phải thường xuyên cải tiến, biên soạn lại, để theo kịp bước chân của thời đại. Vậy đâu là giải pháp?
Cập nhật là thái độ tất yếu không chỉ riêng đối với nghề sư phạm. Luôn cập nhật kiến thức mới chính là quan điểm cần có đối với người thầy hiện đại. Nếu nói không với thái độ tự học, thầy cô sẽ giậm chân tại chỗ. Sự cập nhật nên có tác phong “đi đến nơi, về đến chốn”, tránh cập nhật nửa vời, sẽ hiểu chưa đủ, hiểu sai nội dung, dẫn đến truyền tải thông tin không chính xác. Nội dung nào không thật rõ, hạn chế hoặc tuyệt đối không nhắc đến khi giảng dạy. Khi người học đặt câu hỏi về những vấn đề thầy cô chưa thật rõ, thầy cô nên thẳng thắn nói rằng sẽ cung cấp thông tin vào buổi học sau hoặc dành thời gian trao đổi riêng. Đừng vì cố gắng thể hiện hình tượng “biết tuốt” mà làm phát sinh tai nạn nghề nghiệp nói sai kiến thức.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)