Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi học sinh “bắt bài” thầy cô

Tạp Chí Giáo Dục

Một buổi sáng tôi đi dạy trễ. Lúc đó, học sinh (HS) đang ở trong lớp, chỉ còn em Nam ở ngoài. Tôi thấy thế liền hỏi: “Sao em chưa vào lớp?”. Nam cười và đáp ngay: “Hôm nay thầy đi trễ nhé!”.

Khi tôi bước vào lớp, HS đứng dậy chào, tôi mời các em ngồi xuống rồi thong thả nói: “Xin lỗi các em! Hôm nay thầy đi trễ 4 phút. Thầy tưởng nhà trường đổi thời gian dạy sớm hơn chỉ một ngày thứ ba tuần trước (tôi chỉ dạy sáng thứ ba ở trường, các buổi khác tôi dạy buổi chiều), lúc nãy thầy hỏi thầy quản nhiệm mới hay rằng đổi hết năm học”. Tôi vừa trình bày lý do xong thì cả lớp cười vang lên, một số HS quay xuống nhìn Nam. Chỉ lát sau, tiếng nháo nhào của một số HS khác cho tôi hay, Nam vừa nói với các bạn rằng: “Thầy kẹt xe ở cầu Sài Gòn nên đến trễ”. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao các em lại cười.

Thường, mỗi khi đi trễ, điều đầu tiên là tôi xin lỗi HS, sau đó nói lý do vì sao mình đến lớp muộn cho các em hiểu. Đó là khi tôi giúp đỡ người gặp hoạn nạn nên đành chấp nhận đi trễ. Vừa giải thích cho HS hiểu tôi vừa dạy cho các em bài học làm người. Cũng có lúc xe cán đinh phải vào tiệm vá nhưng tôi đã trừ hao thời gian trục trặc ấy do nhà xa trường nên ít khi trễ giờ. Phải chăng Nam “thông báo” tôi kẹt xe để chế nhạo vì thường nghe thầy cô nói đi trễ vì kẹt xe? Hay HS đi trễ thường rơi vào tình trạng kẹt xe? Và đó cũng là điều để tôi suy ngẫm.

Có lần trong buổi họp, thầy hiệu trưởng nói với các thầy cô rằng, nhiều lúc HS đặt những câu hỏi khiến thầy cũng khó trả lời, trong đó có việc thầy cô đi trễ: “Thầy ơi, chúng em đi trễ thì thầy cô phạt, còn thầy cô đi trễ thì ai phạt ạ?”. Chính câu hỏi của HS khiến cho chúng tôi cũng cần “xem lại mình”. Đừng để cách nghĩ “thầy cô luôn đúng” như một sự áp đặt trong cách ứng xử cũng như trong chuyên môn trước HS. Thầy cô nên sẵn sàng xin lỗi HS vì việc đi trễ của mình. Một lời xin lỗi chẳng mất mát gì nhưng đó là sự công bằng trước HS, sự tôn trọng của người thầy đối với các em. Đôi khi, chính lời xin lỗi ấy lại giúp cho hình ảnh người thầy càng đẹp hơn trong suy nghĩ của HS. Khi HS làm việc gì sai, thầy cô sẽ là người phạt các em. Vậy khi thầy cô sai thì thầy cô ứng xử thế nào để HS nể phục mình? Đó là điều rất quan trọng trong cách ứng xử của người thầy.

Lại có trường hợp giáo viên (GV) ra đề trong đó có một ý sửa lỗi chính tả, trong lúc đánh máy, GV đánh thiếu dấu nên khiến HS hiểu nhầm, các em “phản biện” lại: Đã là bài tập chữa lỗi chính tả sao thầy cô còn đánh thiếu dấu. Hay những trường hợp GV phê HS không được viết tắt nhưng GV lại viết tắt trong lời phê… Các em HS cũng có quyền “bắt bài” thầy cô ở nhiều phương diện, nhất là ở phương diện lời ăn tiếng nói – giao tiếp ứng xử, tôi nghĩ đó cũng là sự tích cực trong giáo dục thế hệ trẻ. Cần trân trọng sự phản biện của HS – hãy lắng nghe ý kiến riêng, quan điểm riêng của các em – đó chính là tư duy phản biện của thế hệ trẻ trong giáo dục.

Câu chuyện đi trễ được HS “bắt bài” đã trở thành kỷ niệm vui và đẹp trong tôi. Là người thầy, thiết nghĩ ngoài việc gieo chữ cho HS, song song đó là gieo vào lòng các em cách sống đẹp. Muốn vậy thì người thầy phải là tấm gương sáng, tấm gương đẹp thực sự của HS. Bởi vậy, người ta thường nói: “Người thầy giỏi không chỉ dạy HS những câu chữ có sẵn mà dạy bằng cả tâm hồn mình”.

Thái Hoàng (TP.HCM) 

Bình luận (0)