1. Con gái mới vừa hoàn thành chương trình học kỳ 1 lớp 9, chị bạn đã gọi điện cho tôi: “Em xem có trường THPT nào nhận học sinh bán trú không? Cỡ bé N. vào được không?”.
Hỏi chị sao lo xa vậy, còn đến mấy tháng nữa cơ mà, chị không giấu sự lo lắng: “Nếu không vào được lớp 10 bán trú thì kẹt lắm. Buổi chiều nhà chị không có ai ở nhà lo cho cháu được. Mà để nó ở nhà một mình thì không yên tâm vì nó có biết làm gì đâu, từ trước đến giờ quen được phục vụ từ A đến Z hết rồi”.
Học sinh lớp 5/4 Trường tiểu học Đặng Văn Bất, Q.Thủ Đức đang nhặt lá vàng trong bồn cây do khối lớp mình phụ trách chăm sóc. Đây là một trường tại TP.HCM vẫn còn yêu cầu học sinh trực nhật lớp – Ảnh: H.HG. |
2. Đi thăm bếp ăn bán trú của trường mà đứa cháu nội đang học lớp 3, về nhà bác Ba cứ tấm tắc: “Mấy đứa nhỏ bây giờ sướng quá. Buổi sáng đến trường, phòng ốc, bàn ghế đã sạch sẽ tinh tươm, học xong ra vòi nước rửa mặt, rửa tay. Khi vào thức ăn đã dọn sẵn trên bàn, chỉ việc ngồi xuống mà “đánh chén”. Ăn xong đã có người đến dọn, rửa, lau, chùi… Hỏi thằng Tí “ở trường con không phải trực nhật lớp à?”.
Nó ngơ ngác “trực nhật là sao ông?” – “Là quét lớp, quét sân trường, lau bảng… đó”. “Mấy chuyện đó có cô lao công lo, tụi con đâu phải làm”. Kể xong, bác kết luận: “Ngày xưa, tôi bằng tuổi thằng Tí đã biết làm hết mọi việc trong nhà. Thằng Tí nhà tôi ở trường thì có nhân viên lao công, ở nhà thì có người giúp việc. Sướng quá nên nó ỷ lại, phòng riêng của nó ngày chủ nhật như một ổ rác. Kêu dọn dẹp nó bảo “để đó chị Tâm (người giúp việc) dọn”.
3. Tại TP.HCM, hầu hết các trường tiểu học bán trú đều có bảo mẫu để phục vụ cho học sinh ăn uống, ngủ nghỉ; nhân viên lao công quét dọn trường lớp, nhà vệ sinh… Học sinh đến trường chỉ có một nhiệm vụ: học và học.
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM: “Cách làm này bắt nguồn từ ý kiến của một số phụ huynh lo ngại về sự quá sức khi bắt các cháu phải quét, lau phòng học. Họ nói rằng con em họ không quen làm những việc đó.Họ đề nghị được đóng tiền để trả lương cho nhân viên lao công. Và nhiều trường đã thực hiện mô hình này mặc dù xét về mặt giáo dục là không tốt. Bởi học sinh sẽ mất kỹ năng tự phục vụ cho chính bản thân mình, mất ý thức giúp đỡ bố mẹ việc nhà…”.
HOÀNG HƯƠNG/TTO
Bình luận (0)