Câu chuyện nam sinh lớp 11 làm vỡ gương ô tô để lại giấy nhận lỗi kèm số điện thoại để xin đền và hành động bỏ qua lỗi của chủ chiếc ô tô đã nhận được sự khen ngợi của xã hội. Điều thú vị là trong ngày 20-11 vừa rồi, em học sinh nhận lỗi Nguyễn Thế Tùng và chủ xe ô tô Nguyễn Hữu Chung đã gặp nhau tại ngày hội kỷ niệm 40 năm thành lập Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP.Hải Phòng. Cả hai đều là học sinh của trường, chỉ khác năm học và đã được nhà trường tuyên dương trước các em học sinh của trường. Hành động trung thực của em học sinh, hành động cao đẹp của chủ xe ô tô xứng đáng với phần thưởng ấy.
Từ lâu, trong nhà trường đã xác định dạy cho học sinh đức tính trung thực là nhiệm vụ quan trọng của môn đạo đức. Bởi vì trung thực là một đức tính căn bản không thể thiếu nếu muốn rèn cho học sinh các đức tính khác. Trong môn đạo đức có biết bao đức tính để dạy cho học sinh như sự thật thà, lòng dũng cảm, sự khiêm tốn, đức hy sinh, biết nhận lỗi… Nhưng để dạy cho học sinh những đức tính này thì hãy dạy cho các em tính trung thực trước đã. Vì chỉ khi sống trung thực các em mới dễ dàng đến với sự thật thà, lòng dũng cảm… Như trường hợp của em Tùng, nhờ tính trung thực em đã biết nhận lỗi và có đủ dũng cảm để sẵn sàng đối mặt với những rắc rối có thể xảy ra sau đó.
Câu chuyện về lòng trung thực của em Nguyễn Thế Tùng cũng cho thấy khi phạm lỗi, việc sẵn sàng nhận lỗi không làm cho hình ảnh các em xấu đi mà ngược lại càng nhận được sự cảm thông, chia sẻ và đánh giá cao của người khác, mà cụ thể ở đây là chủ xe ô tô Nguyễn Hữu Chung.
Tính trung thực đã hình thành một cách tự nhiên từ khi còn nhỏ. Bởi vậy mới có câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Tuy nhiên, nó như chồi non phát triển hay héo úa tùy thuộc vào cách vun trồng của người lớn. Câu chuyện dưới đây do một cô giáo Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể cho người viết bài này đã khá lâu nhưng thiết nghĩ vẫn còn tính thời sự. Trong lớp 9 của cô chủ nhiệm thường xảy ra nạn ăn cắp vặt, khi thì cây bút, cuốn sách, khi thì cây thước, cục tẩy… Cô họp lớp và hỏi ai là người gây ra tình trạng này hãy can đảm đứng dậy và xin lỗi các bạn, cô sẽ tha thứ. Nhưng không học sinh nào đứng dậy cả. Cô quyết định điều tra và bằng kinh nghiệm của mình cô dễ dàng tìm ra đó là một em gái. Hoàn cảnh của em rất đáng thương. Cha mẹ ly dị, em phải sống với bà ngoại, thiếu thốn từ vật chất đến tình thương. Em thường ăn cắp những gì mà bạn có còn mình không có. Cô đã đến nhà thăm, kêu gọi nhà trường miễn học phí, hội phụ huynh mua tập vở, áo quần cho em… Qua những lần tâm sự với cô, em đã thú nhận. Cô khuyến khích em nhận lỗi của mình trước lớp. Cô tin rằng một khi em đủ can đảm làm việc này thì em cũng đủ can đảm để thành công khi vào đời. Cuộc đời em đã thay đổi từ đó.
Tuy nhiên, rèn tính trung thực cần sự bền bỉ. Như nhà nông hàng ngày phải tưới cây, các em cũng vậy lời thầy cô cứ thấm dần để đến một lúc tính trung thực trở thành một điều hết sức tự nhiên. Trước hết, cần tập cho các em tính trung thực khi làm bài kiểm tra. Để những hình ảnh học sinh nhao nhao hỏi nhau cách giải, chồm qua bàn để quay cóp… không còn nữa.
Tất nhiên, đây không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi trước hết giáo viên phải có tính trung thực vì đó là hình mẫu, là tấm gương để học sinh noi theo. Hãy biến nhà trường thành môi trường của sự trung thực. Và sau này ra đời, chính các em sẽ cấy mầm trung thực vào lòng cuộc sống. Một xã hội trung thực, không có lừa dối sẽ làm cho cuộc sống an toàn, hạnh phúc và nhân ái hơn.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)