Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi học sinh nói tục kiểu viết tắt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một lần vào trường họp phụ huynh, nghe một nhóm học sinh nói từ “sờ mờ lờ” (SML), tôi thắc mắc hỏi một phụ huynh đó là chữ gì mà lạ quá. Anh ta cười, rồi nói nhỏ: “Mấy tháng trước tôi cũng ngây người như anh vì câu này. Đó là ngôn ngữ tuổi teen, có nghĩa là sấp mặt l…”. Tôi giật mình khi hiểu ra đó là câu nói tục. Sau buổi họp, phụ huynh đó còn trao đổi với tôi nhiều từ viết tắt tục tĩu mà học sinh thời nay dùng trong giao tiếp. Nào là các từ CMNR, CLMM, CLGT…, chỉ cần lên google tìm là ra nghĩa (không tiện nói ra đây). Sỡ dĩ tôi tìm hiểu sâu vấn đề này vì có hôm tôi nghe con mình trò chuyện với bạn qua điện thoại có đề cập đến câu SML. Khi tôi hỏi câu đó nghĩa là gì thì cháu chỉ cười giả lả, rồi chạy nhanh về phòng.

Về nhà, tôi lên mạng tìm hiểu thêm mới biết học sinh bây giờ có quá nhiều câu viết tắt, kiểu “tiếng lóng”, mà đa phần là dung tục. Vì sợ bị nhà trường hạ hạnh kiểm, gia đình khiển trách, xã hội đánh giá nên học sinh đã nghĩ ra những câu viết tắt tục tĩu mà chỉ bọn trẻ mới hiểu. Đây cũng là cách các game thủ tuổi teen trao đổi trực tuyến để tránh ban quản trị cấm (vì khi nói tục sẽ hiện lên dấu ***). Chưa hết, bọn trẻ còn dùng những câu viết tắt tiếng Anh, cũng tục tĩu, như: WTF, FU… Tất nhiên, khi hiểu ra vấn đề, tôi đã có một buổi nói chuyện với con mình, đề nghị con không nên nói những câu như thế vì sẽ thành nếp quen khó bỏ về sau. Con tôi giải thích chỉ là do quen miệng, bạn bè nói nên học theo cho vui, chứ không có ý bậy bạ.

Mỗi ngày cha mẹ lại có thêm một nỗi lo mới từ con trẻ: Cúp tiết, sử dụng bia rượu, bạo lực học đường…, giờ thì nói chuyện dung tục. Việc học sinh nói tục kiểu viết tắt đang trở thành trào lưu trong trường, ở nhà và bất cứ nơi đâu nhưng nhiều bậc cha mẹ không hay biết. Phụ huynh có lẽ do mải mê làm việc để mưu sinh nên ít quan tâm đến những sinh hoạt thường nhật của con cái. Tuy nhiên, dù vật lộn với những lo toan cuộc sống cũng mong rằng phụ huynh nên chú ý đến con trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên chấp nhận thực trạng đó rồi mới điều chỉnh con cái sau. Đừng nên làm quá lên khiến sự việc thêm rối ren. Hãy từ từ khuyên nhủ để con bỏ thói quen xấu. Trẻ rất biết nghe lời nếu phụ huynh tôn trọng, lắng nghe và sát cánh cùng con. Đặc biệt là phải tấm gương sáng, tức người lớn cũng không được nói tục.

Nguyễn Quốc

Bình luận (0)