Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi học sinh tự… phân luồng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không chỉ học sinh có học lực yếu, trung bình mà ngay cả các em học lực khá, giỏi vẫn lựa chọn học nghề sau trung học. Điều này cho thấy tư duy “thầy – thợ”, bằng cấp ở học sinh hiện đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Cao Văn Minh (giữa) nhận Bằng khen của UBND TP.HCM vì có thành tích giành huy chương vàng cuộc thi tay nghề ASEAN năm 2018

Tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng

Biết lượng sức mình để chọn trường, chọn nghề sẽ hạn chế nguy cơ bỏ học giữa chừng, đó là suy nghĩ của Nguyễn Phát (cựu học sinh một trường THPT ở Q.9, TP.HCM). “Em biết có nhiều anh chị đi trước học lực ở mức trung bình nhưng vẫn cố vào học trường này, trường kia rồi theo không kịp, phải gián đoạn việc học. Do đó, nhận thấy sức học của mình vừa phải em quyết định rẽ sang học nghề với chương trình học văn hóa 7 môn rất phù hợp. Hơn nữa, nghề kỹ thuật chế biến món ăn dạy ở Trường CĐ Kỹ nghệ II (nghề Phát chọn học – PV) ra trường dễ xin việc, lương khá và khi có kinh nghiệm thì có thể ra riêng lập nghiệp”, Phát chia sẻ.

Trong khi đó, năm học 2018-2019, Nguyễn Thanh Vy (cựu học sinh Trường THCS Hưng Bình, Q.9, TP.HCM) đủ điểm vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ nhưng em đã nghe lời khuyên của mẹ, đăng ký học trường nghề để sớm có việc làm. Vy cho biết ban đầu không vui vì phải học nghề nhưng qua những buổi thực hành đầu tiên của nghề kỹ thuật chế biến món ăn (nghề Vy chọn học – PV) đã làm em thích thú và không còn suy nghĩ tiêu cực nữa. “Em sẽ cố gắng hoàn thành chương trình học văn hóa để đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT, sau đó đăng ký học ngành dược mà mình yêu thích. Hiện tại em đang dành thời gian học tiếng Anh để kiếm một chỗ làm ở các nhà hàng, khách sạn của nước ngoài tại TP.HCM nhằm có thêm thu nhập thực hiện ước mơ của mình”, Vy cho biết.

Quan niệm có cái nghề trong tay hơn tấm bằng tốt nghiệp THPT, Cao Văn Minh (ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) không ngần ngại đăng ký học TC nghề bảo trì máy CNC. Minh kể: Khi xem trang tuyển dụng lao động hàng ngày trên nhiều tờ báo, em đều thấy nhu cầu của nghề bảo trì máy CNC rất cao. Và qua tìm hiểu công việc cụ thể của nghề thì em nhận thấy mình rất phù hợp. Khi có đủ cơ sở và tự tin chọn nghề rồi, em lại tìm hiểu môi trường nào đào tạo tốt nhất. Có rất nhiều trường đào tạo nghề này từ TC-CĐ và cả ĐH nhưng em chọn học tại Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương bởi một câu đăng trên website của trường: “Có cơ hội tham gia kỳ thi tay nghề ASEAN”. Quyết định học nghề của Minh một lần nữa củng cố niềm tin từ gia đình và bạn bè khi em xuất sắc đoạt huy chương vàng cuộc thi tay nghề quốc gia và ASEAN năm 2018. Bởi trước đó, mọi người đều cho rằng Minh đã sai lầm lớn khi chọn ngành nghề. “Nhiều người hỏi có lo sợ bằng TC nghề sẽ không cạnh tranh được ở thị trường lao động trong tương lai? Em trả lời bản thân khá tự tin khi được học nghề mình yêu thích và xã hội đang cần nhân lực. Hơn nữa, việc học liên thông lên CĐ-ĐH hiện nay không khó và bản thân trau dồi vốn tiếng Anh sẽ có được việc làm như mong muốn”, Minh tự tin nói.

Học TC không sợ thất nghiệp

Tốt nghiệp THPT với số điểm khá cao, đủ sức trúng tuyển vào một trường ĐH uy tín nhưng Lưu Thành Tín (ngụ huyện Eahleo, tỉnh Đắk Lắk) lại chọn con đường học nghề để tiến thân. Ngành công nghệ ô tô mà Tín đang theo học năm thứ nhất đã được em tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn ngay từ đầu năm lớp 9. Với tinh thần chủ động, không ngại khó trước các bài thực hành phức tạp, Tín được giảng viên Khoa Công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ nghệ II đánh giá cao và là tấm gương nghị lực của lớp C18-ô tô 5. Được biết, anh trai của Tín từng học nghề hàn tại trường và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Học sinh một trường TC nghề trong giờ thực hành

Tương tự, Nguyễn Ngọc Phúc (học sinh ngành công nghệ thông tin, Trường TC Bách khoa TP.HCM) có học lực không quá tệ ở bậc THCS nhưng ngay từ đầu em xác định đi học nghề để giảm gánh nặng gia đình. Phúc kể: “Anh trai đang học Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, còn em gái đang học lớp 7 ở Quảng Nam. Mọi chi tiêu trong gia đình và tiền ăn học đều phụ thuộc vào đồng lương phụ hồ của ba mẹ. Trong khi đó, em được biết thông tin đi học nghề sau THCS sẽ được miễn giảm học phí, ngoài ra còn được học văn hóa nên em quyết định đăng ký học”. Phúc cho biết thêm: “Dù trong thời buổi công nghệ nhưng việc tiếp xúc internet với em còn hạn chế. Máy tính là cái gì đó bí ẩn, nó kích thích sự tò mò và đơn giản chọn ngành công nghệ thông tin là để khám phá nó. Với chuyên ngành công nghệ phần mềm theo học, em thích đặc tính của nghề là sáng tạo, càng học và tìm hiểu càng thấy thú vị”.

Cũng như Minh, Phúc không lo ngại tấm bằng TC nghề sẽ khó phát triển trong tương lai, bởi theo Phúc: Không riêng công nghệ thông tin mà tất cả các ngành nghề đều thay đổi nhanh theo xu hướng phát triển của thời đại, nếu không cập nhật kiến thức từng giờ, từng ngày xem như lạc hậu và có nguy cơ bị đào thải. Có trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu kỹ năng của nhà tuyển dụng thì không sợ thất nghiệp”.

T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)