Có một cậu học sinh (HS), vào lớp thường thích đội mũ. Thầy cô than phiền, lên tiếng nhắc nhở liên tục. Em miễn cưỡng gỡ ra rồi lợi dụng lúc thầy cô không để ý, lại đội vào lúc nào không hay. Có một nữ sinh, thường viết những câu thơ sướt mướt vào các trang sách. Câu chữ bi lụy, lời lẽ sầu úa, vẻ bi quan nhuộm đầy những vần thơ. Lại có cậu HS ngồi trong lớp mà ngủ gà ngủ gật với tần suất nhiều đến nỗi bạn bè trong lớp bèn phong luôn biệt danh “thánh ngủ học đường”.
Có hàng chục, hàng trăm câu chuyện tương tự như thế về những cô cậu HS thích làm những hành động khác lạ, thậm chí quá đỗi kỳ lạ, thay vì tập trung học hành như bao bạn bè trong lớp. Một sự phản ứng tiêu cực, chỉ để nói với người lớn, với cha mẹ và thầy cô rằng, các em đang bất ổn về một tình huống khó xử nào đó.
Không có nhiều cơ hội để các em có thể trực tiếp chia sẻ với gia đình, nhà trường về các rắc rối mà mình đang phải đối mặt và đang đau đầu không có hướng giải quyết thỏa đáng. Hoặc vì các em nhút nhát, rụt rè. Hoặc vì các em sợ hãi âu lo. Các em không biết bắt đầu chia sẻ như thế nào về câu chuyện đầy rắc rối, phức tạp. Trong khi đó, các em không tìm thấy tiếng nói chung với phụ huynh, với thầy cô (các em sợ rằng khi nói ra, cha mẹ và thầy cô sẽ không cùng quan điểm với mình). Các em không cảm nhận được sự quan tâm mà đáng ra mình phải nhận được. Và tư duy lý luận cũng như trải nghiệm cuộc sống của các em đã… hướng dẫn phải hành động một hành vi độc, lạ bất kỳ để thu hút sự chú ý, sự quan tâm của những người xung quanh.
Tuy nhiên, sự phản kháng tất yếu này của các em, đôi khi lại không được người lớn nắm bắt đúng tần số. Từ đó càng làm tăng thêm khoảng cách giữa đôi bên. Thế nên, đừng vội vàng quát mắng, đừng vội vàng trách phạt khi các em hành động một hành vi trái với khuôn khổ thông thường. Hãy tìm hiểu xem đó có phải là một lỗi lầm mà các em cố ý gây ra hay không? Khi các em tự ý thức được một hành động là sai trái, không phù hợp mà vẫn thực hiện thì chính là các em đang cố tìm cách để đưa ra một thông điệp… cầu cứu; dù rằng cách thức truyền tải thông điệp này mang tính tiêu cực. Người lớn hãy tìm cách lắng nghe các em hơn. Hãy tìm cách mở khóa những mật thư tâm tư, tình cảm của các em đang bị ẩn khuất dưới lớp vỏ của sự phá phách, nghịch ngợm hay thái độ chán nản, buông lơ học hành.
Cuối cùng, sau khi đã tìm hiểu và cùng các em giải quyết được vấn đề thực sự đằng sau những hành động cố ý kia, hãy giải thích cho các em hiểu cách mà các em đang phản ứng không phải là cách đưa ra thông điệp tốt nhất. Người lớn luôn sẵn sàng bên cạnh để cùng các em xử lý các khó khăn – điều luôn luôn xảy ra trong cuộc sống như một tất yếu không thể tránh khỏi. Vậy nên, các em hãy làm chủ vấn đề của mình và sẵn sàng nhờ đến sự giúp đỡ của phụ huynh, thầy cô.
Trần Xuân Tiến (giảng viên ĐH)
Bình luận (0)