Y tế - Văn hóaThư giãn

Khi lòng tốt làm hại bản sắc

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện đờn ca tài tử ở miệt vườn Tây Nam bộ, ở chợ tình miền núi phía Bắc, chuyện cồng chiêng ở Tây nguyên và điệu múa thần linh ở mãi tận Zimbabwe… để lại không ít day dứt tại hội thảo: Giao lưu văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch bền vững lưu vực sông Hồng ngày 9 và 10-11 tại Lào Cai.
Năm câu chuyện dù diễn ra ở cách xa nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm: văn hóa dưới tác động của du lịch sai đường đã có cuộc biến dạng âm thầm nhưng hết sức khốc liệt, đánh mất cả tín hiệu văn hóa được vun đắp hàng trăm, hàng nghìn năm qua của nhiều dân tộc.
Khuôn mặt văn hóa méo mó
“Lâu nay cái gọi là chợ tình trong văn hóa một số tộc người thiểu số được coi như một đặc sản du lịch, thu hút sự háo hức được quan sát tận nơi của du khách. Nhưng vì không có một giải thích nào cho chính xác nên khách cứ theo tên gọi chợ tình mà hiểu đó là nơi… trao đổi tình, thậm chí không hiếm người hiểu rằng đó là nơi trao đổi tình dục. Có mấy ai hiểu người ta lấy ngày của một phiên chợ để những người yêu nhau không lấy được nhau mỗi năm hẹn hò gặp gỡ một lần, tuyệt nhiên không có những hành động đồi trụy. Vậy mà du lịch làm cho chợ tình thành ra thế này đây” – GS Tô Ngọc Thanh chua xót.
"Chợ tình tuyệt nhiên không có những hành động đồi trụy. Vậy mà du lịch làm cho chợ tình được hiểu là nơi trao đổi tình"
GS TÔ NGỌC THANH

Không chỉ có vậy, cuộc biến dạng âm thầm của các giá trị văn hóa cũng đẩy những nghệ nhân đờn ca tài tử, cồng chiêng… thành những người đi bán hàng theo nhu cầu khách để kiếm mỗi buổi diễn 20.000-50.000 đồng chỉ với lý do hết sức đơn giản: “không đờn thì lấy gì bỏ vào miệng”. “Cứ nhìn mà xem, nơi nào được du lịch chiếu cố thì đến nghệ nhân cũng trình diễn như cái máy, chẳng còn tí cảm xúc nào cả. Thế có phải là làm du lịch không?”.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh (ÐH Huế) cũng bày tỏ sự lo lắng: nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống bị biến dạng, bị “đóng giả” để phục vụ mục đích thương mại trong du lịch. Như do nhu cầu nhanh – nhiều – rẻ nên người Mông dùng máy khâu thêu hoa văn khiến nghệ thuật thêu của người Mông bị mai một, đứt đoạn với truyền thống, các họa tiết giàu tính biểu tượng nhường chỗ cho các hoa văn đơn giản, lòe loẹt phổ biến từ Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) đến Hà Nội. Kho tàng hoa văn thổ cẩm Mông không còn độc đáo và đánh mất tín hiệu văn hóa tộc người.
Từ di sản đến hàng dỏm
TS Nguyễn Viết Chức (Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long) chia sẻ: tài nguyên du lịch lại bị chính du lịch làm méo đi. Trong khi người ta đang cần giá trị đích thực chứ không cần hàng giả. “Tôi đến một bản ở Lào Cai và vô cùng thắc mắc khi nhìn thấy những mái nhà ximăng đã thay cho mái gỗ. Ðịa phương bào chữa là để chống dột nhưng khách du lịch từ nơi khác đến sẽ coi đó là một xóm nghèo, không hấp dẫn và dĩ nhiên họ bỏ đi. Lòng tốt cũng có khi làm hại bản sắc văn hóa chứ chưa nói đến việc cố tình làm hỏng”.
Cũng với quan điểm này, GS Tô Ngọc Thanh cho rằng: tất cả những trò cải biên, cải tiến chỉ có thể lòe khách một hai lần khi họ còn bỡ ngỡ. Nhưng khi đã hiểu ra thì chắc chắn họ sẽ tránh xa của dỏm. Sử dụng di sản văn hóa dân gian cho du lịch không có nghĩa là “du lịch hóa” nó.
Một vấn đề không kém phần nhức nhối được đặt ra tại buổi thảo luận là nên chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa như thế nào. Thực tế đau xót là du lịch trả cho cộng đồng một cái giá rẻ như bèo dù họ là những chủ thể văn hóa – người gìn giữ bản sắc tộc người qua hàng trăm, hàng ngàn năm. “Tỉ lệ phân chia đang cực kỳ bất cập, doanh nghiệp được quá nhiều còn cộng đồng lại được nhận quá ít – một nhà nghiên cứu khẳng định – Trong khi đó, tại một làng ở Bali (Indonesia) nơi có màn trình diễn múa hát Ramayana, tỉ lệ được chia với 35% tổng thu trả cho nghệ nhân, 20% dành cho làng đứng ra tổ chức, 20% cho quỹ đào tạo lớp nghệ nhân trẻ, 10% đóng thuế và 15% trả cho công ty du lịch có công đưa khách đến”.
Theo TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)