Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khi mức hỗ trợ cao hơn giá thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, dịch heo tai xanh ở Đắc Lắc đã lan rộng trên 13 trong số 15 huyện, thành phố, thị xã, với hơn 300.000 tấn heo buộc phải tiêu hủy. Thiệt hại cho người sản xuất là vô cùng lớn.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 719/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chẳng khác gì cái phao thần kỳ cứu giúp cho bao người dân đang phải ngụp lặn trong cơn lũ thua lỗ và nợ nần, mở cho họ một con đường sống, tạo đà cho họ vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
 
Ở Đắc Lắc, mức hỗ trợ cho 1kg heo bị dịch chết (hoặc bị tiêu hủy) là 25.000 đồng, so với giá thành sản xuất vẫn lỗ khoảng 3.000 đồng/kg, nhưng so với giá thị trường hiện tại (ở Đắc Lắc 18.000 đồng/kg) thì vẫn cao hơn 7.000 đồng/kg. Và thế là tiêu cực nảy sinh: Heo mới chớm bị dịch, có thể chạy chữa khỏi, nhưng chẳng thèm chữa, cứ để chết. Heo đến tuổi xuất chuồng, không hề bệnh tật, đêm tối gí điện giết chết luôn. Có kẻ lén lút đi mua heo bệnh sắp chết ở nơi khác với giá rẻ, về thả vào chuồng nhà chờ vài ngày heo chết….
Rồi tất cả các trường hợp nói trên cùng được cán bộ “cho” hợp thức hóa “heo chết vì dịch” để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Đấy là những điều trong những ngày qua đi công tác, ở đâu trong tỉnh Đắc Lắc chúng tôi cũng nghe dân nói, dân kể. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý về công tác tổ chức và giám sát khâu làm hồ sơ hỗ trợ, làm sao để hạn chế được các tiêu cực nói trên. Nếu không, Nhà nước sẽ phải “hỗ trợ oan”, hay nói chính xác hơn là bị “móc ruột” một khoản tiền rất lớn.
Đặng Bá Tiến / Lao Động

Bình luận (0)