Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khi nào cần cắt amidan?

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân được khám tổng quát tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM. Ảnh: N.QUẾ
Viêm amidan là bệnh thường gặp, nhiều nhất là ở lứa tuổi học sinh và những đối tượng thường xuyên phải giao tiếp nhiều. Bệnh dễ để lại các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với BS.CK2 Thái Hữu Dũng (Khoa Nhi – Tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa BS, amidan là gì? Khi nói đến viêm amidan có phải nhắc đến một bệnh lý nguy hiểm không?
BS. Thái Hữu Dũng: Amidan là tổ chức lympho gồm 2 khối nằm bên thành họng. Amidan có chức năng miễn dịch, sinh ra các kháng thể và các lympho bào, giúp tăng khả năng chống đỡ của mũi họng với các virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi nói đến viêm amidan là nói đến tổ chức amidan bị tổn thương, gồm có 2 loại là cấp và mãn tính. Nguyên nhân thường do siêu vi hoặc vi trùng gây nên. Bên cạnh đó, phải kể đến các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển như yếu tố thời tiết lạnh, giao mùa, đổi mùa, uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá và một số các bệnh lý khác như tiểu đường. Đây là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất vẫn là lứa tuổi học sinh và những đối tượng thường phải giao tiếp nhiều, bệnh do siêu vi gây nên vì thế bệnh có khả năng lây lan.
Viêm amidan thường có biểu hiện triệu chứng như thế nào? Khi nào thì cần chỉ định cắt amidan, thưa BS?
Triệu chứng của bệnh viêm amidan cấp tính là bệnh nhân bị sốt, lạnh, lạnh run, đau họng… Khi khám thấy họng bị đỏ, sưng tấy với 2 cục amidan có thể to hoặc nhỏ, thường là do nhiễm siêu vi. Nhưng nếu đỏ mà kèm theo các chấm mủ trắng trên amidan hoặc những màng dã mạc trắng là do vi trùng. Trong viêm amidan cấp nên điều trị nội khoa còn nếu bị nhiễm do siêu vi nên đến BS chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Không phải trong mọi trường hợp đều nhất thiết phải cắt amidan. Mà chỉ cắt amidan khi bệnh nhân bị viêm nhiễm nhưng đã được ổn định trở lại ít nhất 10 ngày. Viêm họng amidan cấp xảy ra 5-6 lần/năm hoặc 2-3 lần/năm nhưng xảy ra trong 2 năm liên tiếp. Bệnh nhân có dấu hiệu bị hôi miệng, khạc ra những cục như bã đậu rất hôi thì cần phải được cắt ngay. Ngoài ra, có những amidan quá phát, quá to nên làm cản trở đường thở và nuốt cũng cần phải chỉ định để cắt. Thời gian gần đây có rất nhiều bệnh nhân đến khám tổng quát để kiểm tra tình trạng amidan của bản thân. Trong đó cũng có một số trường hợp được chỉ định cắt amidan.
Thưa BS, viêm amidan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng gì?
Viêm amidan có thể gây ra nhiều biến chứng như áp-xe amidan, viêm tấy quanh amidan, viêm thanh khí phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm tấy, áp-xe thành bên họng. Thậm chí có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm thận, viêm khớp, viêm tim, nhiễm khuẩn huyết. Đối với trẻ nhỏ thì biến chứng nguy hiểm là hội chứng ngưng thở khi ngủ, amidan quá lớn gây khó nuốt, khó thở, khó phát âm… Một điều cần đặc biệt lưu ý là sau khi cắt amidan phải yêu cầu bệnh nhân nói chuyện bình thường để hạn chế những di chứng về sau như khó nuốt, rối loạn giọng. Bởi từ trước đến giờ người ta thường có quan niệm là không được nói chuyện nhưng đó là quan điểm hết sức lệch lạc và sai lầm vì bệnh nhân cần được nói chuyện bình thường nhưng không được la hét thì sẽ giúp khắc phục được những di chứng về sau.
BS đưa ra những lời khuyến cáo để giúp người dân chủ động phòng bệnh cũng như hạn chế khả năng mắc bệnh?
Viêm amidan là một bệnh thường gặp, gây các biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả như tránh bị lạnh, hạn chế uống nước đá, ăn kem khi trời lạnh hoặc cơ thể đang yếu vì dễ mắc bệnh. Giữ vệ sinh răng miệng, mũi bằng việc đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý để tránh các viêm nhiễm. Không nên thức quá khuya một cách thường xuyên, đây là vấn đề quan trọng và đáng lưu tâm. Đeo khẩu trang khi ra đường hay khi đến nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây viêm hầu họng, amidan. Khám và điều trị tích cực các bệnh tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt để phát hiện bệnh sớm. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc rèn luyện thân thể, dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây và uống vitamin C.
Xin cảm ơn BS!
Nghiêm Quế (thực hiện)
Cần lưu ý đối với trẻ em dưới 5 tuổi, nên xem xét kỹ lưỡng vì có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Còn với những người trên 45 tuổi thì cắt amidan dễ bị chảy máu do amidan bị xơ dính hoặc các bệnh lý khác kèm theo.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)