Cảnh sát cơ động cùng phối hợp với CSGT điều phối giao thông tại ngã tư Bình Triệu Ảnh: Công Việt |
Những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều chuyển biến phức tạp, trong khi đó thì lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) quá mỏng, không đủ người để tham gia phối hợp làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT. Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên nên Bộ Công an đồng ý cho lực lượng cảnh sát khác và kể cả công an xã được tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Ai có quyền huy động công an xã tham gia điều phối an toàn giao thông?
Theo Cục CSGT đường bộ – đường sắt; Bộ Công an, đơn vị này đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia công tác tuần tra, kiểm soát TTATGT trong những trường hợp cần thiết.Theo đó, vào những thời điểm như sau thì các lực lượng cảnh sát khác và công an xã được tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT: dịp diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; các sự kiện chính trị – xã hội; các hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương; các đợt cao điểm nhằm đảm bảo TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát hoặc của Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khi tình hình vi phạm TTATGT, tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp; khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông kéo dài; các trường hợp khác về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội có liên quan đến TTATGT. Theo dự thảo thì chỉ có những người sau đây mới có quyền huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia, phối hợp đảm bảo TTATGT: Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng phòng CSGT – công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng công an cấp quận, huyện.
Lực lượng phối hợp phải thực hiện đúng địa bàn…
Mọi hoạt động trong khi tham gia, phối hợp tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật; thực hiện đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian quy định trong văn bản huy động của người có thẩm quyền huy động. Trong trường hợp CSGT chủ trì, xây dựng kế hoạch thì CSGT chịu trách nhiệm điều hành ca công tác và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT theo thẩm quyền. Các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tham gia ca công tác chỉ thực hiện theo sự điều hành của CSGT, không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT. Trường hợp lực lượng cảnh sát khác, công an xã được giao xây dựng kế hoạch thì được tiến hành tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, địa bàn được phân công và được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Theo các số liệu thống kê, từ năm 2007, Bộ Công an đã có công văn hướng dẫn hoạt động của công an xã, thị trấn tham gia công tác đảm bảo TTATGT trong phạm vi toàn quốc. Qua sơ kết 1 năm thực hiện, lực lượng công an xã đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho 4,8 triệu lượt người tham dự; tổ chức ký 653.522 bản cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT; phát hiện lập biên bản 434.830 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 54,4 tỷ đồng… Kết quả đó đã góp phần làm cho tình hình TTATGT ở cơ sở chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế. Do đó, Nghị định này ra đời sẽ cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của các lực lượng cảnh sát và công an xã trong việc TTKS, xử lý vi phạm giao thông, nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông.
Như Thủy
Bình luận (0)