Đường sắt cao tốc ở Nhật Bản. Ảnh: T.H |
Theo kiến nghị của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Quốc hội), dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM chưa thể đi đến quyết định cụ thể tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 (dự kiến diễn ra từ 20-5 đến tháng 7-2010) để các đại biểu có thêm thời gian nghiên cứu. Quốc hội sẽ xem xét chủ trương, quy hoạch chung toàn tuyến và quyết định các dự án thành phần trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Chiến lược tổng thể giao thông đường sắt
Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM. Trước đó, Chính phủ có trình báo cáo đầu tư lên Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM được xây dựng mới để chuyên chở hành khách với tiêu chuẩn đường đôi (1.435mm), điện khí hóa và tốc độ khai thác đạt 300km/h. Tổng chiều dài toàn tuyến là 1.570km, đi qua 21 tỉnh, thành phố với 27 ga dừng, đỗ đón khách, trong đó có 25 ga trên cao và 2 ga đầu cuối là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và ga Hòa Hưng (TP.HCM) cùng 5 depot được xây dựng tại Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và Đồng Nai. Theo dự kiến, dự án sẽ bắt đầu thực hiện vào năm 2020 với 2 giai đoạn: năm 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM, năm 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh – Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 (chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội 3 vùng kinh tế trọng điểm và 21 tỉnh thành có dự án đi qua; phù hợp với quy hoạch phát triển các lĩnh vực chuyên ngành liên quan.
Sự cần thiết của tuyến đường sắt cao tốc
Đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc – Nam sẽ là 534 ngàn hành khách/ ngày, tương đương 195 triệu hành khách/ năm, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 6,59%. Hiện nay, tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc – Nam chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/ năm. Nếu không xây dựng đường sắt cao tốc thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc – Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/ năm, tương đương 156 ngàn hành khách/ ngày. Dự báo đến năm 2020, phân bổ cho vận chuyển bằng đường sắt cao tốc sẽ là 48 ngàn hành khách/ ngày. Với năng lực chuyên chở cao (năng lực chuyên chở một chiều bình quân mỗi năm đạt 50-70 triệu người), đường sắt cao tốc đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2020, sau năm 2035 và trong tương lai trên trục Bắc – Nam. Vì vậy, cần có cơ chế điều chỉnh phân phối hài hòa và hợp lý nhu cầu để đường sắt cao tốc đảm nhận thêm khối lượng hành khách tương xứng.
Khó đảm bảo vận tốc 300km/h
Sau khi thẩm tra dự án, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ, đồng thời chỉ ra một số điểm đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định. Cụ thể, tờ trình đề xuất lựa chọn công nghệ động lực phân tán (EMU) để xây dựng đường cao tốc nhưng chưa nêu bật được ưu thế của EMU; chưa đề cập rõ việc duy tu, bảo trì, sửa chữa khi đường sắt cao tốc được khai thác, sử dụng. Đối với lựa chọn hướng tuyến, báo cáo chỉ ra rằng, khoảng cách trung bình 58km/ga sẽ làm tăng thời gian dừng, đỗ, tăng tốc nên khó có thể đảm bảo đạt vận tốc 300km/h và hành trình 5h30’. Về tổng mức đầu tư, tờ trình xác định dự án sẽ tiêu tốn 55.853 tỷ USD, trong khi hai phương án huy động vốn là từ vốn ngân sách trong nước, các loại vốn vay, sau đó Nhà nước thu phí đối với các doanh nghiệp khai thác vận hành và theo hình thức hợp tác công – tư (PPP), với mỗi năm ngân sách phải huy động lên đến 4.368 tỷ USD là rất lớn, khó thực hiện… Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường đề nghị chủ đầu tư giải trình cụ thể hơn về quy hoạch của đường sắt Hà Nội – TP.HCM trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch các lĩnh vực GTVT và quy hoạch của các địa phương có đường sắt cao tốc chạy qua.
Phương Vy
Bình luận (0)