“Phương châm của thành phố là những nơi nào sẵn sàng, nơi nào an toàn thì sẽ “mở” dần, từ từ. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải lên sẵn phương án rõ ràng, cụ thể, bao gồm cả phương án mở cửa trường học để có sự chuẩn bị”. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức với Giáo dục TP.HCM vào sáng 15-9, về phương án mở cửa trường học trên địa bàn TP sau ngày 30-9.
Nhấn mạnh thêm, ông cho biết, phương án, kế hoạch mở cửa trường học của Sở GD-ĐT TP xây dựng mới đây chỉ là bước chuẩn bị, dự trù. Khi nào thực sự sẵn sàng thì học sinh, giáo viên mới quay lại trường học.
Hiện nay, toàn TP có 1.253 cơ sở trường học đang được trưng dụng, làm điểm cách ly và phục vụ phòng chống dịch. Các cơ sở này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, được giải phóng thì cũng cần có thời gian để sửa chữa, cải tạo, ít nhất là 3 tuần.
“Sửa chữa trường học như thế nào, khôi phục ra làm sao, mở những nơi nào, điều kiện tiêu chuẩn để được mở ra sao… Tất cả đều phải được dự trù, chuẩn bị sẵn. Và còn phải ban hành quy chuẩn Bộ Tiêu chí an toàn trường học. Khi nào thực sự sẵn sàng thì sẽ triển khai mở cửa trường học”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nói.
Về chính sách chăm lo cho học sinh khó khăn trên địa bàn TP.HCM trong năm học mới, đặc biệt là hơn 1.500 học sinh mồ côi do dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, UBND TP sẽ có chương trình hỗ trợ và đã giao cho Sở GD-ĐT TP lên kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ, làm sao hạn chế thấp nhất những thiệt thòi của các em…
Lãnh đạo UBND TP cho biết, TP.HCM có nhiều gia đình học sinh khá giả nhưng cũng rất nhiều học sinh khó khăn, nhất là trong dịch bệnh này. Các em đi học trong hoàn cảnh đặc biệt như năm nay, nhiều gia đình trở tay không kịp, không có sẵn sàng các trang thiết bị học trực tuyến, nhu cầu sử dụng internet cũng tăng cao.
Nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời thì rất nhiều học sinh sẽ không có đủ điều kiện để tham gia lớp học, tiếp nhận kiến thức, trao đổi với bạn bè, được sự hướng dẫn và dạy dỗ của thầy cô.
“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Song, từ trước khi cả nước phát động phong trào thì thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ này ở một số quận huyện. Điều này thể hiện đúng tinh thần, truyền thống nghĩa tình của người dân thành phố.
Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện công việc này, làm sao tất cả học sinh thành phố đều có đủ điều kiện, ít nhất là điều kiện tối thiểu để có thể tham gia học tập, không bị thiệt thòi khi tiếp nhận kiến thức trong năm học đặc biệt”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Đồng thời, cho biết, để làm được như vậy, chắc chắn phải cần đến sự hỗ trợ quan tâm rất nhiều của cả xã hội, nhất là các bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho con em mình trong điều kiện khó khăn, vượt khó để tiếp tục giữ gìn truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam nói chung và người dân TP.HCM nói riêng.
TP.HCM đang là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thành phố đã bước vào năm học 2021-2022 với hình thức trực tuyến, xác định hết HKI. Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, đến thời điểm này, khi năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tuần, hiện toàn thành phố vẫn còn hơn 40 ngàn học sinh khó khăn không có điều kiện học trực tuyến do không có thiết bị, đường truyền.
Bên cạnh đó, số học sinh thuộc diện khó khăn, chính sách trên toàn thành phố là 62.100 em. Trong đó, 11.896 em thuộc diện hộ nghèo, 17.894 em thuộc diện hộ cận nghèo và 32.310 em thuộc diện khó khăn khác. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã làm 1.517 học sinh rơi vào cảnh mồi côi; 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0…
Yến Hoa
Bình luận (0)