Hơn 20 năm làm nghề báo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tôi không chỉ nhìn thấy các nghệ sĩ khóc khi biểu diễn trên sân khấu. Mà ngoài đời, tôi đã không ít lần chứng kiến các nghệ sĩ khóc thật, sống thật với con người của mình chứ không phải là những vai diễn nữa.

Nước mắt Thanh Điền!
Hôm đó là buổi phúc khảo vở cải lương “Yêu em từ đó” của tác giả – cố NSND Thanh Kim Huệ do NSND Thanh Điền làm đạo diễn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Khi bức màn nhung mở ra, nữ nghệ sĩ Kim Thủy vào vai cô gái quê tên Lành cầm cây đèn dầu hốt hoảng đi tìm chồng… Khi ấy, tiếng hát huyền thoại ngọt ngào, cao vút, không lẫn vào bất cứ ai của cố NS Thanh Kim Huệ cất lên. Đó cũng là lúc NS Thanh Điền gục đầu vào vai tôi, khóc nức nở… Tôi nắm chặt tay anh dỗ dành nhưng trong lòng tôi lúc ấy cũng đang muốn rơi lệ!
Trợ lý của NS Thanh Điền cho biết, không phải đến khi phúc khảo anh mới khóc mà hơn một tháng qua, trong lúc tập tuồng cho các diễn viên, cứ đến thời khắc này, tiếng hát Thanh Kim Huệ cất lên là anh lại khóc…
Vở cải lương “Yêu em từ đó” là kịch bản một thời từng “làm mưa làm gió” trên Sân khấu Đoàn cải lương Sài Gòn 1. Thanh Điền nhận lời dàn dựng lại kịch bản này cũng vì muốn tìm lại ký ức một thời của người vợ thân yêu, đồng thời muốn góp một tay làm mới sân khấu cải lương, muốn cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ hôm nay… Vở “Yêu em từ đó” thuộc chuỗi kịch bản “Yêu” mang “thương hiệu” Thanh Kim Huệ như: Yêu và ghen, Lỡ yêu rồi, Xin đừng nói yêu em, Yêu trong hoàng hôn… Chính những điều đó đã tạo cho anh nhiều cảm xúc, gợi nhớ lại biết bao kỷ niệm với người vợ chung sống hơn 50 năm với mình nên anh đã khóc trước mặt tôi như thế!

Tôi nhớ ngày NS Thanh Kim Huệ mất, tôi đang trên đường đi làm về thì anh gọi và khóc nức nở y như buổi phúc khảo hôm ấy: “Em ơi, chị Huệ đi rồi, chị Huệ bỏ anh em mình thật rồi…”. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng nghe tiếng khóc của anh tim tôi như thắt lại. Tôi dừng xe lại bên đường một hồi lâu để định thần lại rồi vòng xe lại, chạy thẳng sang nhà anh chị trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM để phụ lo tang sự cho chị!
Hay trong buổi họp báo ra mắt kịch bản cải lương “Dạ cổ hoài lang” do anh làm đạo diễn. Trong câu chuyện, anh liên tục nhắc đến tên Thanh Kim Huệ. Rồi câu chuyện phải ngừng lại giữa chừng vì anh không còn kiềm chế được nữa, anh cũng đã bật khóc trước mặt hơn 30 nhà báo. Tôi thương anh vô cùng. Từ ngày chị Thanh Kim Huệ mất, sức khỏe anh yếu hơn xưa rất nhiều. Anh thành lập kênh YouTube Thanh Điền – Thanh Kim Huệ để nhắc nhớ về giọng ca huyền thoại và lưu giữ tất cả những hình ảnh về chị, nhiều người thấy anh khóc, không hiểu nói “Sao Thanh Điền diễn quá vậy?”. Lúc đó, chính tôi đã đứng ra thanh minh cho anh: “Anh Thanh Điền đã diễn trên sân khấu hơn 60 năm qua. Bây giờ anh mệt rồi nên anh không có nhu cầu phải “diễn” trong cuộc sống đời thường nữa, nhất là với người vợ quá cố mà anh hết mực yêu thương. Nỗi đau ấy nó kinh khủng lắm…”.
Và lần thứ 3, anh Thanh Điền khóc trước mặt tôi là khi anh ra Hà Nội nhận danh hiệu NSND trở về. Ở cái tuổi 80, anh vẫn cần có một người dỗ dành như tôi trong những lúc như thế này. Anh nói: “Được vinh danh với danh hiệu NSND là một điều tuyệt vời. Đó là sự công nhận cho những cống hiến và nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng anh. Nhưng đằng sau niềm vui ấy, trong tâm trí anh vẫn luôn ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Khi anh là người duy nhất bước lên sân khấu nhận danh hiệu NSND 2 lần. Khi anh nhìn vào danh hiệu thứ 2 truy tặng cho người vợ quá cố của mình, trái tim anh đau đớn nhưng cũng đầy tự hào. Anh cảm nhận sự hiện diện của Thanh Kim Huệ bên anh trong từng hơi thở, trong mỗi nụ cười, mỗi giọt nước mắt và trong mỗi khúc nhạc…”.
Thật lòng, tôi vô cùng nể phục và trân trọng nhân cách của người nghệ sĩ lớn này!
Mong được chết trên quê hương!
Phút cuối đời, danh hài lừng lẫy Văn Chung vẫn không thể thực hiện được ước mơ trở về thăm quê hương một lần. Danh hài Văn Chung định cư ở Mỹ, ông bị bệnh tim phải đặt máy trợ tim trong lồng ngực nên trong khoảng 10 năm trước khi qua đời, ông không thể nào ngồi máy bay về lại quê hương Việt Nam. Tôi nhớ có lần, qua điện thoại video call của nghệ sĩ Ngọc Huyền, tôi may mắn được nói chuyện với ông. Lần đó, ông đã khóc rất nhiều và bảo rằng, ước mơ của mình là được chết trên mảnh đất quê hương. Nhưng ước mơ đó mãi mãi không bao giờ thực hiện được!

Trước khi NSND Diệp Lang qua đời vào năm 2023, tôi cũng đã có cơ hội vài lần trò chuyện với chú qua video call. Và lần nào, chú cũng khóc… Vì tuổi già bệnh tật, vì muốn gần gũi con cái nên chú đành tha hương chứ tâm hồn thì luôn ở lại mãi quê nhà. 13 năm qua định cư ở Mỹ, chưa lúc nào NS Diệp Lang nguôi nhớ thương sân khấu, nhớ thương quê hương. Những năm cuối đời, tuy NS Diệp Lang không diễn được nữa khán giả vẫn luôn yêu thương, trân quý. Nhân cách của chú, nghệ thuật của chú là tấm gương cho biết bao thế hệ nghệ sĩ trẻ, cả những người làm báo như tôi!
Những năm đầu mới sang Mỹ, NSND Diệp Lang có về thăm Việt Nam. Nhưng 7 năm cuối đời, chú bị bệnh tim, thêm chứng Parkinson khiến tay, chân run rẩy nên không đủ sức ngồi máy bay về thăm quê hương được. Tôi nhớ mãi câu chú vừa khóc vừa nói: “Chú nhớ cái mùi của quê hương. Bên Mỹ không thiếu thứ gì, từ tô phở tới cọng rau, nhưng vẫn không phải cái mùi quê mình. Lúc nào chú cũng yêu cải lương. Mong thế hệ đàn em, đàn cháu diễn giỏi, mong cải lương trường tồn và phát triển”.
Bây giờ thì NS Diệp Lang, Văn Chung và Thanh Kim Huệ chắc đã hội ngộ nhau. Tiếc thương làm sao những tài danh nghệ thuật!
Song Minh
Bình luận (0)