Sự xuất hiện dày đặc của các game show truyền hình như Sao nối ngôi, Tài tử tranh tài, Tài tử miệt vườn, Vọng cổ miền Tây, Tài danh tân cổ, Chuông vàng vọng cổ, Giải tài năng Trần Hữu Trang, Nghệ sĩ thần tượng, cuộc thi Bông lúa vàng… cũng đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ cải lương rất đắt show làm giám khảo. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng thành công với vai trò này!
Các giám khảo của “Học viện cải lương”
1. Khán giả yêu nghệ thuật cải lương hay thắc mắc, vì sao các tài danh cải lương mà họ yêu thích như NSND Lệ Thủy, NSND Trọng Hữu, NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Vũ Linh, NSND Thanh Nam, NSƯT Phượng Hằng, NS Châu Thanh, NSƯT Cẩm Tiên… rất ít hoặc không bao giờ nhận lời ngồi ghế ban giám khảo các cuộc thi ca hát, các game show hay chương trình truyền hình thực tế… Đơn giản một điều, hát hay – diễn giỏi là do năng khiếu và sự khổ luyện mà có… Nhưng nói chuyện trước đám đông, nói hay, nói chinh phục người khác, nhất là để các em thế hệ trẻ ngày nay “tâm phục khẩu phục” hoàn toàn không dễ chút nào… Khán giả nghe các tài danh cải lương nói chuyện ngoài đời hoặc khi tâm sự, chia sẻ trong một số chương trình, họ nói rất hay, rất chân tình, rất chân thật đúng với bản chất, con người thật của mình… Nhưng làm giám khảo một cuộc thi, những lời nói thật, nói chân tình của họ đôi khi sẽ bị… can thiệp bởi ban tổ chức, bởi nhà đài và bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nên đa số các nghệ sĩ cải lương e ngại. Nhưng hiện tại đã khác… Các sân khấu cải lương để họ biểu diễn hàng đêm ngày càng thưa dần, thay vào đó là sự xuất hiện dày đặc của các game show truyền hình như Sao nối ngôi, Tài tử tranh tài, Tài tử miệt vườn, Vọng cổ miền Tây, Tài danh tân cổ, Chuông vàng vọng cổ, Giải tài năng Trần Hữu Trang, Nghệ sĩ thần tượng, cuộc thi Bông lúa vàng… Để được sống với nghề, đảm bảo cuộc sống, các nghệ sĩ cải lương đã mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực mới này!
NS Kim Tử Long – Thoại Mỹ – Thanh Hằng làm giám khảo chương trình truyền hình thực tế “Nghệ sĩ thần tượng”
Nhiều người rất bất ngờ khi nghệ sĩ Hoài Thanh nhận lời ngồi ghế giám khảo một chương trình truyền hình thực tế. Bởi lẽ Hoài Thanh rất kiệm lời, anh không thích nói về bản thân mình, hay gãi đầu cười trừ thay cho câu trả lời. Ngay cả chiếc điện thoại cá nhân anh cũng dành để nghe nhiều hơn là gọi… Tuy nhiên, trong vai trò ban giám khảo, anh đã khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một Hoài Thanh nói chuyện lưu loát, những lời nhận xét, đánh giá, góp ý của anh khiến cho các thí sinh, khán giả đều “tâm phục khẩu phục”… “Tôi tin chắc một điều, tất cả các thí sinh tham gia chương trình này khi nghe những lời nhận xét của Hoài Thanh đều nhận ra được những ưu khuyết của bản thân mình mà phát huy hoặc khắc phục trong quá trình làm nghề…” – đạo diễn – NSND Hữu Quốc khẳng định như thế!
NS Hoài Thanh quyết không nhận mỹ từ “Giám khảo quyền lực” bởi anh cho biết: “Tôi ngồi vào chiếc “ghế nóng” này chỉ với cương vị một người thầy, giúp đỡ và “truyền lửa” cho các đàn em… Nói không ngoa, tôi cũng đang học lại những cái mới, cái trẻ từ chính các đàn em của mình…”.
2. Với chương trình “Học viện cải lương” vừa lên sóng được khán giả đón nhận nồng nhiệt thì mỗi giám khảo đều có cái quyền riêng, đặc ân riêng của mình. Được nói, được nhận xét đúng với bản chất, con người thật của họ mà không hề bị tác động bởi yếu tố khách quan, chủ quan nào!
Nói bằng một ngôn từ chính xác, chiếc “ghế nóng” mà những tài danh này ngồi giống như “chiếc áo” họ tự may riêng nên thật sự vừa vặn, chất như nước cất!
Các giám khảo của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”
Những nhận xét, đánh giá của giám khảo NSND Bạch Tuyết, NS Thanh Hằng, NS Châu Thanh, nhạc sĩ – NSND Thanh Hải không hề sáo rỗng theo kiểu: “Em/cháu thật tuyệt vời”, “Anh chị/ cô chú thích em” hay “Anh chị/cô chú thành thật khen ngợi”… như những giám khảo (vô tình và cố ý) khoác nhầm “chiếc áo rộng” khác. Các tài danh ngồi chăm chú theo dõi, thả cảm xúc, tình cảm của mình đi theo từng nhân vật của thí sinh, có gật gù, có trố mắt, có những nụ cười vang vọng và cả những giọt nước mắt của họ đã rơi… Để rồi, những nhận xét của họ dành cho thí sinh luôn đi kèm theo một sự phân tích xác đáng về giọng ca, về nét diễn, về nội dung các bài bản cải lương, về cách phát âm, nhả chữ, về đài từ, cần sửa chỗ nào và cần phát huy thế mạnh ra sao… Đặc biệt, với các thí sinh hát cải lương quá dở, quá “đâm hơi”, các giám khảo không hề đặt đứt ước mơ của các em mà hướng các em đi theo một sở trường khác để tiếp tục với đam mê… Đây là một hành trang cực kỳ quý giá để các thí sinh bước ra khỏi cuộc thi và làm nghề sau này, dù là đoạt giải cao hay thấp… Các giám khảo “Học viện cải lương” cũng không hề dùng bất kỳ một chiêu trò nào trên “ghế nóng” nhưng vẫn đủ sức lôi kéo khán giả đến giây phút sau cùng. Thế mới thấy rằng, đẳng cấp luôn là mãi mãi!
3. Ngồi ghế giám khảo với một số ngôi sao cải lương vừa để tăng thu nhập, vừa có thể bày tỏ quan điểm và tăng mức độ đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ cải lương nào cũng thành công với vai trò này. Cũng đã có một vài nghệ sĩ bị phản pháo bất ngờ khi ngồi “ghế nóng”. Bất ngờ nhất phải nhắc đến vai trò giám khảo của NS M. trong cuộc thi vọng cổ. Lần đó, khán giả đã thẳng thắn đề nghị: “NS M. ca diễn rất hay nhưng không nên ngồi vào ghế ban giám khảo vì… nói không hay, nhận xét không đúng”. Chuyện này NS M. cũng đã có giải thích trên báo chí nhưng vẫn không làm thỏa mãn sự mong đợi của người hâm mộ.
Trong vai trò là giám khảo, NS L. cũng từng bị một thí sinh tham gia cuộc thi hát nhắn tin miệt thị vì cho rằng chị chấm thi thiếu công tâm. NS L. chia sẻ: “Ở vị trí giám khảo, tôi xem các em là con cháu trong nhà, đúng thì khen, sai thì phê bình để các em biết mà sửa. Tôi nghĩ em ấy còn quá trẻ, thành ra không có suy nghĩ thấu đáo nên mới có hành xử như vậy”.
Sở dĩ NS L. bị xúc phạm như vậy là vì chị vốn rất nghiêm khắc khi các thí sinh hát sai lời. Chị nhắc nhở các thí sinh phải tôn trọng các soạn giả cũng như những người đi trước, mà trên hết là việc hát đúng lời nhưng không ngờ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội như thế!
Anh Khôi
Bình luận (0)