Đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc cho biết: “Giữa hàng loạt các kênh Youtube gây nhiễu loạn thông tin, mang màu tiêu cực cốt để đạt view cao, tôi đánh giá cao tư duy làm những chùm phim ngắn “Chuyện tử tế” của NSND Việt Anh. Chùm phim lan tỏa cái đẹp, xua đi những điều chưa hay trong cộng đồng mạng hiện nay…”.
Việt Anh trong loạt phim “Chuyện tử tế”
Tạo sân chơi tử tế cho học trò
NSND Việt Anh kể: “Khi còn là nhân viên Phòng Kế hoạch thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, tôi may mắn được cử đi học tại Nhà Văn hóa quần chúng TP, nay là Trung tâm Văn hóa TP.HCM. Thời đó, tôi mê âm nhạc lắm, có thể hát nghêu ngao cả ngày, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, sau khi nghe thầy tôi là NSND Huỳnh Nga nói chuyện về sân khấu, tôi đã yêu say đắm bộ môn này và rồi từng bước dấn thân”.
NSND Việt Anh tên thật là Nguyễn Văn Liêm, sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Ở lĩnh vực sân khấu, ông tạo dấu ấn trong nhiều vở chính kịch gây tiếng vang như Lôi Vũ, Dạ cổ hoài lang, Đêm họa mi, Tốt, xấu, giả, thật… Bên cạnh sân khấu, nghệ sĩ Việt Anh cũng tích cực tham gia vai trò ban giám khảo các cuộc thi cũng như phim truyền hình với khả năng hóa thân đa dạng trong nhiều dạng vai khác nhau.
Nhìn lại quá trình phấn đấu, NSND Việt Anh đã đánh dấu tên tuổi của mình qua hàng trăm vai diễn các thể loại và hầu như đều xuất phát từ lối diễn xuất phóng khoáng, tự do không theo một khuôn mẫu nào. Năm 2001, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2019, ông vinh dự đón nhận danh hiệu NSND.
Rất bận rộn với vai trò đạo diễn, diễn viên nhưng gần 20 năm qua, Việt Anh vẫn gắn bó với bục giảng, với vai trò một người thầy truyền dạy những kinh nghiệm diễn xuất cho các diễn viên tương lai ở Hội sân khấu TP.HCM, Các lớp nâng cao của Sân khấu kịch Hồng Vân… Nhiều lớp học trò của ông đã khẳng định được vị trí của mình và trở thành những tên tuổi quen thuộc của khán giả cả nước như Anh Vũ, Minh Luân, Trấn Thành, Ngọc Tưởng, Lê Nam, Lê Khánh, Thanh Thúy, Lê Lộc… Là người thầy rất mực yêu thương, tận tâm với học trò, nhưng Việt Anh cũng nổi tiếng là người rất khó tính trong giảng dạy. Nhưng chính cái “ khó tính” ấy mà nhiều học trò khi thành danh không thể nào quên được thầy Việt Anh. Trong mỗi giờ lên lớp, mỗi buổi tập với sinh viên, Việt Anh luôn cố gắng truyền cho sinh viên cách diễn chân thực, không lạm dụng kỹ thuật, không chạy theo kiểu diễn xuất ngoại hình. Có lẽ vì vậy mà giờ học của thày Việt Anh thường khiến các cô cậu diễn viên tương lai rất hào hứng.
Tính đến thời điểm này thì loạt phim ngắn “Chuyện tử tế” trên kênh Youtube “Việt Anh Channel” đã tạo tiếng vang đối với đồng nghiệp và công chúng.
“Thứ nhất, tôi thực hiện kênh này là vì tình thương của tôi dành cho các học trò. Sau các vở tốt nghiệp như “Lôi vũ”, “Romeo và Juliet”… tôi thấy học trò mình khao khát được làm nghề nghiêm túc, nên tôi gầy dựng kênh này. Thứ hai, mục đích chính là truyền tải những thông điệp đẹp về cuộc sống, dùng tiếng cười châm biếm bám sát những vấn đề thời sự để lan tỏa điều tích cực” – NSND Việt Anh nói.
Ðằng sau “Chuyện tử tế” là tấm lòng của một nghệ sĩ gạo cội và một người thầy hết mực vì học trò. Các học trò của NSND Việt Anh kể, thời gian cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều sinh viên ngành nghệ thuật ra trường nhưng không thể làm nghề. Mỗi người một chọn lựa để mưu sinh: phụ bàn, bán hàng online, giao hàng dịch vụ… Thương học trò vất vả, NSND Việt Anh đã nghĩ đến dự án này để giúp các em có “đất diễn”, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật.
Từ trái tim đã chạm đến với trái tim
“Chuyện tử tế” không có nhiều tình tiết gây cười, không có dàn diễn viên đình đám, cũng không có những pha hành động hấp dẫn. Thay vào đó những câu chuyện đẹp, nhẹ nhàng của phim đã thu hút người xem.
Mỗi tập phim khoảng 15 phút, ngắn gọn nhưng hấp dẫn và mang đến những thông điệp sống ý nghĩa. Như tập “Con trẻ” nói về một cậu bé cứ năn nỉ hết cha rồi mẹ dạy em học bài nhưng họ đều than bận. Thật ra, cha em đang chơi game, còn mẹ thì “buôn dưa lê” qua điện thoại với bạn… “Chuyện tử tế” này chia sẻ thực trạng một số cha mẹ trẻ vô tư đến vô trách nhiệm, đẩy con vào cảnh cô độc ngay trong chính mái ấm tưởng như rất hoàn hảo.
Hay trong tập “Tâm sự ngày cuối năm” để lại nhiều suy ngẫm cho chính người nghệ sĩ khi vì tất bật với công việc cuối năm, họ không dám về quê ăn Tết cùng gia đình và cái kết ứa nước mắt. Câu chuyện “Hộp cơm nghĩa tình” cũng đong đầy yêu thương với thông điệp của cho không bằng cách cho… Cứ như vậy, mỗi tập phim, “Chuyện tử tế” mang đến một câu chuyện rất quen và rất đời, có thể người xem đã trải qua hằng ngày nhưng lại lướt qua, không để ý. Ðể rồi, ai đó phải giật mình soi rọi lại mình đã sống tử tế chưa khi xem “Chuyện tử tế”.
NSND Việt Anh nhắn gửi thế hệ diễn viên trẻ: “Tôi muốn nói với các em diễn viên trẻ hôm nay là hãy làm nghề một cách tử tế, nghiêm túc. Bởi vì một diễn viên dù bắt đầu chỉ bằng những vai diễn quần chúng, nhưng nếu có sự rèn luyện, phấn đấu thì vẫn có cơ hội vào vai chính và chạm tay đến những danh hiệu cao quý như thường… Tổ Nghiệp luôn công nhận tinh thần phục vụ nhân dân của những người nghệ sĩ chân chính…”. |
Mỗi tập, NSND Việt Anh đã chọn một khách mời là nghệ sĩ hoặc chính những người có liên quan với câu chuyện để cùng bình luận, cùng chia sẻ ý kiến. Từ đó có sự tương tác với người xem và tạo sức mạnh liên kết để ông cùng các học trò tiếp tục sáng tác nhiều kịch bản hay hơn.
“Tôi biết dự án của mình khó lòng đạt view cao vì mạng xã hội đang nhiễu loạn. Những câu chuyện tử tế thế này sẽ ít được quan tâm nhưng tôi tin câu “mưa dầm thấm lâu”. Tôi tin tưởng vào sức lan tỏa của cái đẹp. Chúng ta mang yêu thương đến sẽ nhận lại yêu thương”, NSND Việt Anh nói.
Nghệ sĩ Ngọc Tưởng kể rằng, có người thương quý NSND Việt Anh muốn tặng ông căn nhà vì hiện tại ông vẫn đang ở nhà trọ, nhưng ông không lấy mà chỉ xin nhận 10 triệu đồng để cùng học trò làm “Chuyện tử tế”. May sao, khi biết tâm nguyện của NSND Việt Anh, Quỹ Phát triển tài năng Việt đã hỗ trợ dự án 500 triệu đồng để thầy trò thỏa sức thăng hoa cùng “Chuyện tử tế”.
Hoàng Thuận
Bình luận (0)