Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi nghiên cứu không trông chờ kinh phí

Tạp Chí Giáo Dục

Hai triệu đồng là kinh phí trung bình mà ĐH Sư phạm TP.HCM hỗ trợ một đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên cấp trường. 

Khi nghiên cứu không trông chờ kinh phí
Nhóm SV giới thiệu Bài tập trò chơi giúp phát triển tri giác cho trẻ nhìn kém trên phần mềm Unity 5 – Ảnh: T.HÂN

Vượt qua khó khăn về điều kiện vật chất, các nhóm nghiên cứu nỗ lực làm việc, mang về những đề tài thời sự với các sản phẩm thiết thực, có tính ứng dụng cao. Đó là điểm nổi bật tại hội nghị sinh viên NCKH năm học 2015-2016 của ĐH Sư phạm TP.HCM. 30 trong số 164 đề tài cấp trường được trao giải và phần thưởng.

Từng là nạn nhân của bạo lực học đường (BLHĐ) và vô cùng bức xúc với thực trạng này, hai sinh viên khoa tâm lý học đã theo đuổi đề tài “Xây dựng cẩm nang tuyên truyền nhằm phòng chống BLHĐ cho học sinh trung học cơ sở”. Cẩm nang có 36 trang, in màu với nhiều nội dung, tình huống và cách ứng xử liên quan đến BLHĐ, hỗ trợ giáo viên, phụ huynh trong quá trình giáo dục thiếu niên và là tài liệu để khuyến khích HS tự tìm hiểu.

“Sinh viên NCKH làm được sản phẩm là điều đáng quý. Số tiền hỗ trợ nghiên cứu còn không đủ in ấn cẩm nang. Nhưng nếu có thời gian nghiên cứu dài hơn, các bạn nên khảo sát về hiệu quả tác động của cẩm nang sau khi HS tiếp nhận nội dung tuyên truyền” – TS Cao Thị Xuân Mỹ, thành viên ban giám khảo, góp ý.

“Nghiên cứu vì đam mê và vì thực tế đang có nhu cầu. Từ lúc bắt đầu, nhóm xác định không trông chờ kinh phí, cứ làm trong khả năng có thể, tiết kiệm phần nào hay phần đó. Không có tiền thì phải linh hoạt đi tìm nguồn khác, nhưng chắc chắn sẽ khó khăn hơn nếu không có hỗ trợ từ trường. Hai đứa trong nhóm đều đi làm thêm lấy tiền để duy trì nghiên cứu vì trường vẫn chưa quyết toán hết. Điều quan trọng nhất là thành quả nghiên cứu có thể đóng góp phần nào cho xã hội” – Nguyễn Hoàng Xuân Huy, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết.

Một sản phẩm nghiên cứu khác từ sự kết hợp giữa giáo dục và công nghệ là phần mềm trò chơi phát triển tri giác màu cho trẻ nhìn kém trên nền tảng chương trình Unity 5, dành cho hệ điều hành Android và PC. Chương trình gồm bảy bài tập kích thích trẻ nhìn kém từ 3-6 tuổi phản xạ với màu sắc, nghe – hiểu và ghi nhớ cuộc sống xung quanh.

Bạn Trương Thị Hoài Hạnh, đại diện nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Do đặc thù của ngành giáo dục đặc biệt, nếu nghiên cứu lý thuyết sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng kết quả. Nhóm muốn tạo ra sản phẩm cụ thể, có thể ứng dụng ngay cho việc dạy trẻ, nhanh chóng giúp đỡ các em. Nhóm cũng xoay xở trong 2 triệu đồng mà nhà trường hỗ trợ. Để thuê người làm game cần 4-10 triệu đồng, nhưng nhóm kết nối với một bạn SV ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM nên tiết kiệm chi phí rất nhiều”.

Thực tế là dù có kinh phí hỗ trợ hay không thì SV vẫn phải làm NCKH vì tính chất bắt buộc của học phần. Nhiều SV thường chọn đề tài chung chung hoặc đã thực hiện trước đó để dễ dàng đưa ra kết luận nghiên cứu, thậm chí thực trạng bịa số liệu nghiên cứu cũng không quá xa lạ trong giới sinh viên làm NCKH.

Nhưng vẫn còn đó nhiều sinh viên tâm huyết với NCKH, trăn trở với thực tế nghề nghiệp và nhu cầu của đời sống. Các bạn cố gắng vượt qua khó khăn về chuyên môn, kinh phí để hoàn thành những đề tài chất lượng. Ban giám khảo đồng ý đây là hướng đi thiết thực, giải quyết các vấn đề thực tiễn, thời sự.

“Tiền bao nhiêu cho đủ? Trong nghiên cứu là không bao giờ đủ, vì NCKH là họ đã hi sinh, kể cả thời gian, công sức. Tiền chỉ mang tính chất động viên, giải quyết những vấn đề cơ bản như xây dựng các học liệu, sản phẩm. Tiền không nhằm trả công hay chi trả chi phí. Lãnh đạo khoa vì thấy tiền không đủ nên cùng các thầy cô xây dựng lộ trình giúp sinh viên nghiên cứu thuận lợi nhất” – TS Dương Minh Thành, thành viên ban giám khảo, khẳng định.

 

TƯỜNG HÂN/TTO

 

Bình luận (0)