Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi người già… tái hôn

Tạp Chí Giáo Dục

Người già cần nhiều sự chia sẻ, thấu hiểu (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Tái hôn là vấn đề chính đáng với nhiều người muốn tìm hạnh phúc sau lần dang dở.  Tuy nhiên, với người già là điều không mấy dễ dàng. Nhiều người đành ngậm ngùi, không thể tái hôn vì bị con cháu phản đối, vì sợ dư luận…

Mong chút bình yên tháng ngày còn lại

Nhiều người cao tuổi rơi vào sự cô đơn trong chính ngôi nhà của mình bởi nhịp sống hiện đại, hối hả càng đẩy con cái, cha mẹ xa nhau. Chính vì vậy, khi họ tìm được một người bạn khác giới có thể thấu hiểu, sẻ chia những mong ước bình dị của những năm tháng cuối đời đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Tìm đến Trung tâm Tư vấn tâm lý tình yêu – hôn nhân và gia đình, ông Trần Văn Mỹ (65 tuổi) kể liền một mạch câu chuyện buồn của mình. Ông nói đây là lần đầu tiên ông chia sẻ những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai như thế này. Vợ mất khi hai đứa con chỉ mới học cấp 2. Ông Mỹ một mình sống cảnh “gà trống nuôi con”. Ông lao vào làm kinh tế để mong con cái có được cuộc sống no đủ. Bạn bè tìm cách mai mối để mong ông có người chăm sóc sớm khuya. Thế nhưng, ông khéo léo từ chối vì sợ các con buồn tủi mà ảnh hưởng đến việc học tập. Khi hai con lập gia đình cũng là lúc ông gác mọi công việc lại để an hưởng tuổi già. Cứ ngỡ trái tim người đàn ông ấy không còn biết rung động, thiết tha trước ai nhưng khi gặp bà Loan trong một câu lạc bộ dưỡng sinh, ông thấy lòng mình yên vui vì được trò chuyện, chia sẻ cùng bà. Cùng hoàn cảnh nên ông bà hiểu, trân trọng nhau. Biết chuyện ông muốn tái hôn cùng bà, hai người con ngăn cản kịch liệt, lấy đủ lý do để ông từ bỏ ý định. Không dừng lại ở đó, họ còn tìm cách gặp bà, dùng những lời lẽ xúc phạm đến bà. Chuyện tình già mới vừa chớm nở đã dừng lại trong nỗi luyến tiếc của cả hai bên.

Ông Mỹ là một trong số những trường hợp người già phải rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan khi hạnh phúc tuổi già vừa chạm ngõ. Có nhiều cụ ông, cụ bà đến với nhau không phải vì ham muốn tầm thường mà đơn giản là họ tìm được bình yên khi trò chuyện cùng nhau bên chén trà mỗi chiều hoàng hôn. Bà Nguyễn Thị Nhiên (60 tuổi) cứ ngỡ mình sẽ có những năm tháng yên ả cuối đời khi gặp được ông Duy. Thế nhưng, sau những ngày đấu tranh tâm lý với chính mình, bà chọn cách lặng lẽ rời xa ông bởi bà sợ sự gièm pha của hàng xóm, họ hàng.

Cần sự sẻ chia, cảm thông

Vấn đề tái hôn của người già là nhu cầu chính đáng nhưng ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Chính sự khắt khe của dư luận xã hội đã làm nhiều người lớn tuổi không thể vượt qua để tìm hạnh phúc cho mình trong những năm tháng cuối đời. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Mai Hoa, “Dư luận xã hội cũng đã có cái nhìn thoáng hơn về việc người già tái hôn. Tuy nhiên, không ít người vẫn có quan niệm cũ kỹ, hẹp hòi định kiến, vì những toan tính vật chất mà đối xử ích kỉ đối với cha mẹ già, vô tình làm tổn thương những người đã hy sinh cả cuộc đời vì mình”.

Từng ra sức ngăn cản việc cha của mình tái hôn với một người phụ nữ là người giúp việc trong gia đình vì sợ bà toan tính thực dụng nhằm thừa kế tài sản, chị Nguyễn Kim Oanh cảm thấy hối hận về hành động ngày đó. “Mỗi khi nghĩ lại việc mình cư xử thiếu tế nhị trong chuyện tái hôn của cha, tôi lại thấy ân hận. Giá như ngày đó tôi từ từ tìm hiểu, vun vén hạnh phúc của cha tôi thì đến giờ có thể cha đã không suy sụp, xuống tinh thần nhanh chóng đến vậy”. Những mâu thuẫn thế hệ nhiều khi đẩy con cái và bố mẹ đến sự xa cách, làm cho người già cảm thấy cô đơn, cảm thấy mình như người thừa trong gia đình. Vì thế, thay vì tái hôn, nhiều người già đã chọn cách làm bạn, gặp gỡ, tâm tình chứ không về chung sống dưới một mái nhà để tránh những mâu thuẫn bùng phát.

“Nỗi sợ lớn nhất đối với con người, nhất là người già, thường là sự cô đơn. Hơn nữa, họ lại ít có điều kiện tham gia hoạt động xã hội như khi còn trẻ nên nhu cầu có một người bạn đời kề cận là rất cần thiết. Con cái trong gia đình có cha mẹ muốn tái hôn cần có sự sẻ chia, cảm thông, cư xử hợp tình, hợp lý để cha mẹ không đau buồn và hụt hẫng. Cần tạo không khí gia đình luôn hòa thuận, ấm áp để cha mẹ không cảm thấy cô đơn”, chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Mai Hoa nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yên Hà

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Mai Hoa: “Dư luận xã hội cũng đã có cái nhìn thoáng hơn về việc người già tái hôn. Tuy nhiên, không ít người vẫn có quan niệm cũ kỹ, hẹp hòi định kiến, vì những toan tính vật chất mà đối xử ích kỉ đối với cha mẹ già, vô tình làm tổn thương những người đã hy sinh cả cuộc đời vì mình”.

 

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi người già tái hôn

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể sống bên nhau đến đầu bạc, răng long; vì một lý do nào đó, người bạn đời của họ ra đi trước khiến người ở lại trở nên cô quạnh, trống vắng. Rơi vào trường hợp như thế, nhiều người sẽ nghĩ đến việc đi thêm bước nữa với người cùng cảnh ngộ để hàng ngày có người dốc bầu tâm sự và chăm sóc nhau lúc ốm đau…
“Con chăm cha không bằng bà chăm ông”
Chị Mai Hương (nhân viên ngân hàng ở Đồng Nai) tâm sự: “Gia đình tôi đang sống yên lành bỗng nhiên mẹ tôi đòi đi thêm bước nữa với ông cụ đã góa vợ cùng sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi cùng khu phố. Ban đầu chị em tôi ngăn cản gay gắt, mong mẹ thay đổi ý định. Nhưng khi nghe mẹ bày tỏ nỗi niềm cô đơn khi con cái đã trưởng thành thì chị em tôi đã cân nhắc lại. Mẹ tôi thổ lộ rằng bà không muốn cả ngày cặm cụi một mình, đi ra đi vào không biết trò chuyện với ai. Bà muốn có một người luôn bên cạnh mình để chia sẻ cùng nhau khi về già. Nếu các con không đồng tình với mong muốn của mẹ thì hãy cho mẹ ra ở riêng, để mọi việc mẹ tự quyết định…”. Chị Mai Hương cho biết: “Chúng tôi phản đối việc mẹ tái hôn không phải vì không yêu thương mẹ hay không thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mẹ. Nhưng chúng tôi cứ nghĩ đơn giản rằng con cháu phải có trách nhiệm tạo dựng một môi trường gia đình ấm cúng, trang trải đầy đủ của cải vật chất để mẹ an dưỡng tuổi già. Vả lại, chúng tôi cũng ngại hàng xóm gièm pha, đàm tiếu việc đi thêm bước nữa của mẹ”.
Sau khi suy nghĩ lại, các chị em nhận thấy rằng mong muốn của mẹ mình là chính đáng. Thế là nhà chị Mai Hương có thêm một thành viên mới trong sự đón chào vui vẻ của mọi người. Từ đó, mẹ chị và ông cụ khỏe ra, hoạt bát hẳn lên, khiến ai cũng phải tấm tắc: “Đúng là con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được con cái ủng hộ trong việc đi thêm bước nữa như mẹ chị Mai Hương. Ông Quang (73 tuổi, ở TP.Vũng Tàu) tâm sự: “Tôi đã sống cảnh gà trống nuôi con hơn 15 năm nay cho đến khi con cái trưởng thành, ra ở riêng hết, để lại mình tôi ngày ngày lủi thủi một mình, không biết chia sẻ cùng ai. Những khi ốm đau tôi càng thấy trống trải, cô quạnh. Hai tháng trước, có cụ bà cùng tuổi chuyển nhà đến ở cạnh. Có bạn cùng cảnh ngộ để hàn huyên và chăm sóc mỗi khi trái gió trở trời nên tôi cảm thấy rất vui vẻ, mãn nguyện. Vậy mà, khi bày tỏ ý muốn gắn bó tuổi già của chúng tôi thì bị con cái, họ hàng hai bên ngăn cản. Có mấy đứa còn mỉa mai, lên án nặng nề rằng chúng tôi còn trẻ trung, ham muốn gì nữa mà yêu đương, cưới xin cho thiên hạ chê cười. Tôi chưa biết làm sao để thuyết phục chúng nó”.
Vì sao con cái phản đối việc cha mẹ tái hôn?
Không phải dễ dàng để con cái chấp nhận cha hoặc mẹ mình đi thêm bước nữa, để sống chung với một người khác, nhất là khi họ đã đi qua hơn nửa cuộc đời. Với những đứa con thành đạt trong xã hội – việc cha hay mẹ đi thêm bước nữa còn kéo theo “nguy cơ” tạo nên rào cản cho sự thăng tiến và tương lai của họ. Do đó, họ càng phản đối quyết liệt. Thêm vào đó, tâm lý người Á Đông từ trước đến nay, không đồng tình việc người già tái hôn, nhất là đối với phụ nữ do những quan niệm phong kiến về dòng tộc, tề gia. Ngoài ra, chuyện người già tái hôn còn làm nảy sinh thêm phiền phức trong việc phân chia gia sản, chuyện chăm sóc thêm một người cao tuổi…
Những người già đang cô đơn có nhu cầu tái hôn cần phải quan tâm đến vấn đề kết quả hành trình đi tìm một nửa để chia sẻ với mình ở tuổi xế chiều mà người thân và con cái không đồng cảm sẽ ra sao. Liệu có hạnh phúc hay lại nếm trái đắng? Thêm bước nữa, thêm một người trong cuộc đời là đi thêm nhiều ngã rẽ. Sự sung sướng hay đau khổ vẫn là những câu chuyện chưa có hồi kết. Đòi hỏi người già khi quyết định việc đi thêm bước nữa cần phải cân nhắc, suy nghĩ một cách cẩn thận.
Xã hội đồng tình khi người già muốn tái hôn
Trong cuộc sống hiện đại, người già cô đơn muốn tìm bạn đời đã được xã hội quan tâm hơn, có những trung tâm môi giới sẵn sàng phục vụ họ. Khi cuộc sống càng văn minh thì cách nhìn, cách đánh giá đối với vấn đề này càng thoáng hơn và thấu hiểu hơn.
Người già cô đơn muốn tái hôn là nhu cầu có thật, cần được sự cảm thông và chia sẻ của mọi người. Người già ở trong cảnh ngộ này cũng nên yên tâm vì những mong muốn của họ đã được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Người cao tuổi. Cụ thể là “giữa người nam và nữ góa vợ, góa chồng, không tính ở tuổi cao đến đâu, không tính khỏe hay yếu, tàn tật hay lành lặn (trừ trường hợp có bệnh lây nhiễm nặng cần phải điều trị có kết quả) đều có quyền tự nguyện kết hôn với nhau”. Khi đã là quyền theo luật định, thì không ai có quyền ngăn cản. Trái lại, ngăn cản là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền công dân của người khác. Vì thế, nếu hai người muốn đến với nhau một cách tự nguyện thì cứ việc đăng ký kết hôn. Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho hai người được đạt theo ý nguyện.
Theo các chuyên gia tâm lý người cao tuổi, nếu không thể bảo đảm điều kiện và thời gian chăm sóc, quan tâm đến cha hay mẹ đang cô đơn khi về già thì các con đừng nên quá khắt khe về việc gia đình có thêm thành viên mới. Vì điều này giúp cho người già có thêm sinh lực trong cuộc sống, để mỗi người hiểu nhau, cảm thông cho nhau và xây dựng gia đình đầm ấm hơn. Người già khi cô đơn muốn tái hôn cũng có cái lý của họ, nhưng người trẻ có thái độ phản đối cũng có lý lẽ riêng. Vì thế, các thành viên trong gia đình cần phải dung hòa cách phản ứng của mình. Tất cả phải xuất phát từ lòng yêu thương và đồng cảm giữa các thế hệ. Cuộc sống hạnh phúc của đôi bạn già sẽ là câu trả lời cho con cháu và dư luận sau này.
Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)