Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi người thân bặt vô âm tín với bệnh nhân COVID-19…

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi người thân mắc COVID-19 đến bệnh viện điều trị, nhiều gia đình mất liên lạc hoàn toàn với bệnh nhân. Có những người vỡ òa hạnh phúc khi tìm lại thân nhân nhưng cũng có những gia đình nghẹn ngào đau đớn khi tìm được thông tin thì người thân đã qua đời.

“Bặt vô âm tín”

“Mẹ tôi là bà Phạm Thị Phượng (SN:1968) trước khi mắc COVID-19 bị đột quỵ, không thể tự đi lại cũng không nói được, ăn uống rất khó khăn. Chúng tôi sống trong khu trọ trên địa bàn phường 6, quận 4, TPHCM; đầu tháng 7, rất nhiều người ở đây có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tưởng mẹ con chúng tôi thoát nạn nhưng không ngờ kết quả xét nghiệm xác định cả nhà 5 người với 3 thế hệ đều mắc bệnh phải nhập viện điều trị” – Chị Huỳnh Thị Giàu cho biết.

Đến ngày 30/7, chị Giàu cùng 3 người con đã được xuất viện về phòng trọ tiếp tục cách ly, tuy nhiên, thông tin của người mẹ thì “bặt vô âm tín”. Chị nghẹn ngào: “Tôi lo lắm và linh cảm có chuyện chẳng lành đã xảy ra. Từ khi mẹ nhập viện, tôi đã cố gắng liên lạc với địa phương nhờ hỗ trợ để nắm thông tin mẹ đang nằm ở đâu, tình hình ra sao nhưng mọi thứ đều rất mơ hồ”.

Theo thông tin từ chị Giàu, khi gia đình liên hệ thì địa phương cho biết đã chuyển bà Phượng đến bệnh viện Trưng Vương nhưng gia đình liên lạc với bệnh viện thì nhận được phản hồi không thấy bệnh nhân chuyển đến. “Mới đây, bên phường báo mẹ tôi đã chuyển đến Bệnh viện Thành phố Thủ Đức lúc 8 giờ tối 16/7. Tôi gọi điện nhờ bệnh viện tìm thông tin thì bệnh viện báo mẹ tôi không có trong danh sách các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Giờ chúng tôi không biết phải tìm mẹ ở đâu”.

Khi người thân bặt vô âm tín với bệnh nhân COVID-19... ảnh 1

Hầu hết người bệnh phải thở máy, phải sử dụng thuốc an thần hoặc rơi vào hôn mê nên không thể liên lạc được với người thân.

May mắn hơn bệnh nhân trên là trường hợp của bà Huỳnh Thị Sót (SN; 1953, ngụ tại phường 5, quận 10). Thân nhân của người bệnh là Trương Hiếu đã nỗ lực tìm dì của mình suốt nhiều ngày qua vì từ sau khi bà được cơ quan y tế chuyển đi điều trị mọi người đều không biết bà đang ở đâu, tình trạng bệnh ra sao. Liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Trương Hiếu vỡ òa hạnh phúc khi nhận thông tin bà đang được điều trị ở khoa 6A, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tình trạng bệnh ở mức độ vừa, đang thở oxy qua mask.

Nhưng cũng có những gia đình bật lên tiếng khóc nghẹn khi hay tin thân nhân của mình đã vĩnh viễn ra đi. Đó là gia đình của chị Phan Hoàng L. (ngụ tại phường 4, quận 6, TPHCM), sau nhiều ngày không biết cha là ông Phan Văn T. điều trị ở đâu, tình trạng ra sao. Chị liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy nhờ hỗ trợ tìm kiếm thì nhận tin, ông đã tử vong vào ngày 28/7, thi thể đã được chuyển xuống phòng lạnh. “Khi nào em có thể nhận ba em được; em có thể thấy mặt ba em không; giúp đỡ em với…!”. Những câu hỏi đau đớn của thân nhân người bệnh khiến nhân viên y tế nghẹn ngào rơi nước mắt.

Nỗ lực kết nối người bệnh với thân nhân

Nhóm các bệnh nhân mắc COVID-19 bị thất lạc đều là những người bệnh nặng, nguy kịch phải điều trị tích cực. Hầu hết người bệnh phải thở máy, phải sử dụng thuốc an thần hoặc rơi vào hôn mê nên không thể liên lạc được với người thân. Để tránh nguy cơ lây nhiễm nên bệnh nhân COVID-19 đều không có người thân đi cùng để chăm sóc.

Mặt khác, việc cập nhật các thông tin về thân nhân người bệnh khi số ca tăng nhanh có thời điểm bị gián đoạn. Các vấn đề trên cũng gây ra khó khăn cho chính các bác sĩ trong việc liên lạc với gia đình để báo thông tin về tình trạng bệnh. Hiện các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đang siết chặt các thông tin về dữ liệu và cập nhật để tránh tình trạng gián đoạn liên lạc của người bệnh và thân nhân.

Trước tình hình trên TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: “Số ca bệnh nặng tăng cao, lực lượng y tế đang phải căng mình đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ. Chúng tôi hiểu nỗi lo lắng của thân nhân người bệnh nên đang cố gắng xúc tiến nhiều giải pháp hỗ trợ để kết nối. Từ ngày 27/7 hệ thống tiếp nhận thông tin tìm kiếm và cung cấp thông tin về tình trạng của người bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã chính thức vận hành. Nhân viên y tế sẽ cung cấp các thông tin về tình trạng bệnh nhân hiện ra sao, tiên lượng như thế nào để người nhà bớt lo lắng”.

Hiện các cổng tiếp nhận thông tin tìm kiếm thân nhân từ cộng đồng được TS.BS Nguyễn Tri Thức đề cập là Fanpage: Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy và Zalo: Tìm người bệnh COVID BVCR Hồi sức đang được vận hành.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển – Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Thống kê sơ bộ trong 3 ngày qua, chúng tôi đã tiếp nhận và hồi đáp hơn 220 lượt thân nhân liên hệ tìm kiếm người nhà đang điều trị COVID-19 và cung cấp sơ bộ các thông tin liên quan đến tình hình của bệnh nhân”.

Khi người thân bặt vô âm tín với bệnh nhân COVID-19... ảnh 2

BS CKII Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM thẳng thắn cho biết, trước đây, khi thời điểm số ca bệnh gia tăng nhanh, công tác chuyển người mắc COVID-19 đến bệnh viện đã có sự thiếu sót.

Theo ông Hiển, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ thông tin của bệnh nhân cho thân nhân, khi bệnh nhân xuất viện, bệnh viện cũng hỗ trợ tìm kiếm thân nhân cho bệnh nhân.

"Nhiều tình huống diễn ra trên thực tế khiến chúng tôi rất xót xa. Có những bệnh nhân khi ra viện không ai đến đón vì tất cả người nhà đều đã nhập viện điều trị COVID-19. Có người liên lạc được với gia đình thì người thân đang trong khu phong tỏa hoặc đang trong bệnh viện dã chiến”- ông Hiển chia sẻ.

Theo ông Hiển, Thành phố đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 nên nhóm người bệnh xuất viện rất khó khăn trong việc tiếp cận phương tiện giao thông để trở về nhà vì không có xe taxi, xe cấp cứu thì phải ưu tiên cho vận chuyển bệnh nhân nặng. Bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp vận tải và mạnh thường quân để hỗ trợ phương tiện vận chuyển chuyên chở bệnh nhân xuất viện trong buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ.

"Riêng với nhóm các bệnh nhân không may tử vong vì COVID-19 bệnh viện sẽ xử lý theo quy trình nhưng vẫn nỗ lực giữ tính tôn nghiêm của nghi lễ tiễn đưa người quá cố. Những trường hợp tử vong, bệnh viện sẽ báo ngay cho gia đình, thi thể sẽ được thực hiện hỏa táng và bàn giao lại tro cốt người quá cố cho thân nhân"- ông Hiển nói thêm.

BS CKII Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM thẳng thắn cho biết, trước đây, khi thời điểm số ca bệnh gia tăng nhanh, công tác chuyển người mắc COVID-19 đến bệnh viện đã có sự thiếu sót. Hoạt động điều phối tiếp nhận bệnh nhân chưa được tổ chức quy củ, khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện không còn giường nên phải chuyển đến bệnh viện khác. Thông tin về người bệnh bị mất dấu khi chuyển viện. Sở Y tế đang nỗ lực hoàn thiện phần mềm quy trình tra cứu F0 để tiện lợi cho người dân tiếp cận thông tin thân nhân của mình.

Theo Vân Sơn/TPO

 

Bình luận (0)