Tình trạng người trẻ kết hôn muộn, ngại kết hôn hay đổ vỡ sau hôn nhân đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Đây là hệ lụy không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Để khắc phục, mỗi người cần có kiến thức và thấu hiểu nhau để tìm được một nửa của đời mình và xây dựng hôn nhân trọn vẹn.
“Hội chứng 4-2-1”
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam tỷ lệ người độc thân có xu hướng tăng nhanh, từ 6,2% năm 2004 lên đến 10,1% năm 2019. Kết hôn muộn, ngại kết hôn là một trong những nguyên nhân làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua. Năm 1989, bình quân mỗi phụ nữ có 3,8 con thì năm 2006 giảm xuống khoảng 2,1 con và mức sinh thấp này được duy trì đến ngày nay.
Chưa chuẩn bị tâm lý, tài chính hạn chế, muốn theo đuổi sự nghiệp hay thích tự do… là những lý do khiến nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn hoặc ngại kết hôn. Đặc biệt với thế hệ gen Z, quan niệm về hôn nhân có sự khác biệt và cởi mở hơn rất nhiều. Họ dành thời gian để theo đuổi đam mê, phát triển bản thân, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn. Nhất là trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, việc hẹn hò yêu đương không còn quá khó khăn. Những ứng dụng hẹn hò xuất hiện làm gia tăng cơ hội kết nối với nhau nhưng khoảng cách từ tình yêu đến hôn nhân lại là chặng đường dài và khác biệt hơn.
Theo các chuyên gia, việc giới trẻ ngại kết hôn và sinh con không chỉ mang lại hệ lụy cho chính mỗi người, mỗi gia đình mà cho toàn xã hội. Bởi thế hệ trẻ không chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con mà còn có bổn phận chăm sóc bố mẹ. Nếu kết hôn muộn sẽ vất vả, khó khăn khi cùng lúc phải vừa nuôi dạy con nhỏ, vừa chăm sóc bố mẹ già. Ngoài ra, mức sinh quá thấp (1 con) kéo dài sẽ dẫn đến “hội chứng 4-2-1”, nghĩa là 4 ông bà nội, ngoại; 2 bố mẹ và 1 đứa con. Con một khi còn nhỏ được 6 người chăm sóc; lớn lên lại có trách nhiệm chăm sóc 6 người. Hơn nữa cuộc sống luôn có rủi ro, nhiều bố mẹ một con trở nên “trắng tay” khi con cái bị tai nạn, bệnh tật dẫn đến tử vong.
Thấu hiểu để sẻ chia
Bên cạnh xu hướng kết hôn muộn hoặc ngại kết hôn thì việc dễ dàng ly hôn cũng là thực trạng hiện nay. Nếu ngày xưa ông bà ta dẫu nghèo khó nhưng sống đến “răng long đầu bạc” thì ngày nay cuộc sống càng phát triển thì tỷ lệ ly hôn lại cao. Việc đổ vỡ trong hôn nhân không chỉ khiến cả hai người đều bị tổn thương mà còn khiến cho con cái thiếu tình thương và phải lựa chọn sống với cha hoặc mẹ.
Theo TS.BS Nguyễn Lan Hải, hôn nhân là quyết định trọng đại trong câu chuyện tình yêu của đời người, là hạt giống quý giá để ươm mầm hạnh phúc lâu dài của lứa đôi, là khởi đầu cho nền tảng của một gia đình. Mặc dù vậy, hạnh phúc của gia đình đôi khi sẽ đứng trước những thử thách khó vượt qua nếu những người trong cuộc không chịu “hợp tác”: hợp tác để lắng nghe và trao đổi, hợp tác để thay đổi và hoàn thiện, hợp tác để tự học và học hỏi từ chính mình lẫn người bạn đời xuyên suốt trong cuộc đời. Bởi thế, hôn nhân cũng giống như học vấn và kỹ năng. “Để hạn chế tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân mỗi gia đình có thể dạy con bằng phương pháp “thân giáo” – cha mẹ là tấm gương cho con. Tức hôn nhân của cha mẹ hạnh phúc, gắn bó lâu dài sẽ giúp con cái nhìn vào đó học hỏi theo. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn, các bạn trẻ có thể học kiến thức về hôn nhân và gia đình để biết cách nuôi dạy con đồng thời hòa hợp trong hôn nhân”, TS.BS Lan Hải chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc giới trẻ ngại kết hôn và sinh con không chỉ mang lại hệ lụy cho chính mỗi người, mỗi gia đình mà còn cho toàn xã hội. Bởi thế hệ trẻ không chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con mà còn có bổn phận chăm sóc bố mẹ. Nếu kết hôn muộn sẽ vất vả, khó khăn khi cùng lúc phải vừa nuôi dạy con nhỏ, vừa chăm sóc bố mẹ già. |
Theo TS. Phạm Thị Thúy (chuyên gia tâm lý), tình dục không phải là yếu tố duy nhất giúp hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu thiếu yếu tố này, “ngôi nhà hôn nhân” sẽ bị “sụp đổ”. Điều quan trọng nữa trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình đó là tôn trọng lẫn nhau. Những cặp vợ chồng hòa hợp thường xuyên nói với nhau rằng người kia luôn luôn đúng, hôm nay trông anh rất tuyệt… Họ thường đề nghị người kia làm những công việc vặt vãnh cho nhau. Họ cũng thường bày tỏ sự kính trọng và đánh giá cao về nhau. Họ thường hỏi nhau. Những cặp vợ chồng này luôn tặng cho nhau cảm giác bất ngờ hạnh phúc như ngày mới cưới. Đó là cái cảm giác của một người được người kia chọn làm người duy nhất để đi đến hết cuộc đời. Cảm giác đó hết sức quan trọng. Bởi nếu không, các cặp vợ chồng sẽ quên mất việc tận hưởng thời gian bên nhau và dễ dàng để cho lỗi lầm của người bạn đời lấn át tâm trí mình. “Ngoài ra, những cặp vợ chồng hạnh phúc có xu hướng dường như bỏ qua mọi lỗi lầm của nhau. Bỏ qua lỗi của người khác là một việc khó nhưng đặc điểm kỳ diệu của việc bao dung này là càng bỏ qua chúng thì chúng càng ít dần đi. Khi bạn càng chấp lỗi người khác thì lỗi người khác càng tăng lên”, TS. Thúy chia sẻ.
Ngoài ra, trong cuộc sống vợ chồng cũng cần phải chậm lại để lắng nghe đối phương nói. Việc lắng nghe sẽ cho đối phương cảm giác được tôn trọng và trân trọng. Chỉ khi chúng ta lắng nghe được đối phương mình mới có thể hiểu rõ được họ đang nói gì, muốn gì mà không gây ra việc tranh cãi, bảo thủ vô lý. Khi chúng ta lắng nghe, chúng ta tạo ra một mối quan hệ hôn nhân tôn trọng và chia sẻ. Điều này giúp đối phương cảm thấy an toàn và họ sẽ sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc trong lòng mình với bạn. Sự lắng nghe tạo điều kiện để hai người có thể hiểu nhau sâu hơn, tạo ra sự gắn kết và cảm thông.
Thúy Kiều
Bình luận (0)