Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi nhà giáo… sợ nói

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Phải chăng vì giáo dục là lĩnh vực “nhạy cảm” luôn được cả xã hội quan tâm nên việc cung cấp thông tin cho báo chí cũng là một áp lực của người trong ngành. Sự ngại nói, ngại lên tiếng để trao đổi, để giao tiếp cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển.

Sợ phải lên tiếng, hiệu phó nhận mình là… phục vụ
Trong lần thực hiện đề tài về ảnh hưởng của bão giá đến bữa ăn của trẻ mầm non, sau khi liên hệ, chúng tôi đến một trường trên địa bàn quận Bình Thạnh (TPHCM) tìm gặp hiệu trưởng. Đến nơi thì một cô giáo ra đón và thông báo hiệu trưởng bận đi học ở phòng. Chúng tôi xin phép vào ghi nhận, chụp hình giờ ăn của trẻ (vì đang lúc trẻ ăn bữa chiều) thì bị người này từ chối: “Không được đâu, anh chị chờ hiệu trưởng đi”. 


Giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM) trao đổi cùng học sinh. (Ảnh: Hoài Nam)
Khi được hỏi thăm, người phụ nữ này lắc đầu nguầy nguậy: “Tôi chỉ là phục vụ ở đây nên không biết gì đâu, anh chị đừng hỏi”. Hôm sau, quay lại gặp hiệu trưởng, chúng tôi “té ghế” khi biết cô “nhân viên phục vụ” hôm qua tiếp mình thực chất là… phó hiệu trưởng nhà trường. Khi “bị lộ”, cô hiệu phó ngại ngần quay đi.
Cách đây không lâu, đến trường tiểu học N.T.H liên hệ công tác về vấn đề dạy tiếng Anh lớp 3 (đây là một trong những trường dạy thí điểm trên địa bàn thành phố), chúng tôi được bảo vệ đón tiếp vô cùng niềm nở vì… tưởng người từ phòng GD xuống làm việc. Nhưng khi biết là nhà báo, anh bảo vệ giữ lại và bắt dắt xe ra khỏi cổng trường rồi gọi điện cho hiệu trưởng.
Sau đó anh thông báo hiệu trưởng bận và còn hồn nhiên nói rằng: “Nếu tôi không phát hiện kịp để chị vào gặp sẽ bị kỷ luật ngay”. Mang bực mình vì đã hẹn trước mà còn bị “leo cây”, nhất là khi cô hiệu trưởng vẫn có mặt ở trường. Giá như khi PV gọi hẹn qua điện thoại, cô mạnh dạn nói thẳng “không tiếp” thì đỡ biết bao. Hóa ra, nhiều đồng nghiệp cũng vấp phải tình huống “hẹn nhưng rồi… tôi không gặp được đâu” từ lãnh đạo các trường nhiều rồi!

Ngại nói… trách nhiệm

Bên cạnh những giáo viên sẵn sáng nói, bày tỏ quan điểm của mình thì cũng không ít người chọn cách im lặng là tốt nhất. Còn rất nhiều tình huống mà không ít PV gặp phải là hỏi thăm nhiều giáo viên, lão đạo các trường ghi nhận thông tin đầy… sổ sách nhưng đến khi hỏi tên, chức danh thì người kia tìm cách né tránh. Dù vấn đề được đề cập đến chỉ là những chia sẻ về nghề, về công việc hết sức nhẹ nhàng.
Ngại lên báo đã đành, ngay tại các hội thảo liên quan về giáo dục, là nơi rất cần ý kiến đóng góp, bổ sung của những nhà giáo nhưng không ít hội thảo nhiều người đến… ngồi cho đủ sĩ số. Có những hội thảo giáo dục, chủ tọa mời khản cổ nhưng người tham dự vẫn “không nỡ” lên tiếng. Không phải họ không có bức xúc, không có ý kiến vì lúc giải lao lại tụm năm tụm bảy bán tán rôm rả lắm nhưng khi phát biểu để gắn với “trách nhiệm” thì nhiều người từ chối. Ai cũng sợ… liên lụy.
Vậy nên mới có chuyện, khi nhận một quy định mới nào đó của ngành, thầy cô rất hay than phiền nhưng trong các hội thảo đóng góp ý kiến họ lại im lặng, né tránh, không nói hết những suy nghĩ, chính kiến của mình.
Khi được hỏi ý kiến về nội dung chuẩn hiệu trưởng do Bộ GD – ĐT ban hành, một vị phó Giáo sư – hiệu trưởng một trường cấp 3 có tiếng ở TPHCM –  từ chối trả lời ngay không phải vì bận mà vì: “Tôi không trả lời về vấn đề này đâu, phản ánh chuẩn chức vụ mình đang giữ với lãnh đạo, phiền phức lắm!”. Nhưng sau lưng, hiệu trưởng này lại than thở với giáo viên trong trường rằng "chuẩn này đố hiệu trưởng nào thực hiện được".
Hay nhiều giáo viên của một trường nọ rất bức xúc với cách quản lý giờ giấc “tréo ngoe” của hiệu trưởng và họ thường xuyên xì xầm sau lưng với nhau. Nhưng trong cuộc họp lấy ý kiến, hiệu trưởng đã thẳng thắn hỏi có điều gì không hợp lý đóng góp ngay thì toàn bộ thầy cô im lặng.
Thế mới hay, không phải giáo viên ngại nói mà ngại… trách nhiệm. Thành ra đôi khi nơi cần nói, thứ cần nói thì họ né tránh mà lại nói ở những nơi… chẳng để làm gì.
Biết rằng, chính giáo viên cũng chịu áp lực nhất định khi phát ngôn, nêu ý kiến. Như ông thầy hiệu trưởng nổi tiếng là “dám nói dám làm” ở Hà Nội mới đây đưa ý kiến về chuyện phụ huynh “bạt tai” giáo viên nhận nhiều lời chỉ trích khi phát biểu rằng “nếu phụ huynh đánh giáo viên thì cho HS đó nghỉ học". Thế nhưng, chưa bao giờ thầy giáo trên ngại nói, ngại bộc bạch ý kiến của mình.
Nếu ai cũng sợ liên lụy bản thân để rồi không dám lên tiếng, nêu ý kiến, đồng thời né tránh trách nhiệm của mình thì ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung sẽ phát triển như thế nào? Đâu phải lúc nào im lặng cũng là vàng.
Theo Hoài Nam 
(Dân trí) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)