Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Khi nhà mạng về với… nhà nông

Tạp Chí Giáo Dục

Nông dân xã Hòa Tiến đang tìm kiếm thông tin trên mạng
Từ những người nông dân chân lấm, tay bùn, đa phần chỉ “tốt nghiệp” lớp vỡ lòng, biết đọc biết viết. Vậy mà hơn một năm trở lại đây, nhờ đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ nông thôn, nông dân” do Trung tâm CNTT phối hợp với Hội Nông dân Đà Nẵng triển khai, nhiều người dân ở hai xã Hòa Tiến và Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã được “khai mở” đầu óc, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả…
Cùng nông dân làm giàu
Đã thành thông lệ, cứ vào tầm 19 giờ, bà con ở các thôn trong xã Hòa Tiến lại hồ hởi kéo tới nhà anh Phạm Thôi, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn La Bông để “lướt web”, cùng trao đổi công việc của nhà nông. Ngôi nhà của anh Thôi được xã chọn làm điểm đặt sáu dàn máy vi tính phục vụ cho nhu cầu truy cập internet của người dân trong xã. Anh Thôi trở thành người “thầy” hướng dẫn những thao tác cơ bản cùng những trang web quen thuộc và hữu ích để bà con vào xem khi cần. “Thấy sử dụng internet rất hữu ích nên bà con trong xã háo hức lắm”, anh Thôi cho biết. 
Từ hai điểm đặt internet nhỏ của xã Hòa Tiến và Hòa Liên, không ít mô hình kinh tế nông nghiệp đã được người dân đưa vào ứng dụng thử nghiệm cho từng thôn. Cũng nhờ có đầy đủ thông tin nên nhiều hộ gia đình đã biết được cách xây dựng mô hình kinh tế sao cho hiệu quả. Anh Nguyễn Phú Phúc, thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến – người đã có thâm niên gắn bó với nghề trồng hoa cúc nhưng chưa đem lại kết quả như mong đợi, chia sẻ: “Từ những thông tin có được trên mạng, tui đã mạnh dạn đầu tư vốn mua thêm nhiều giống hoa mới. Mấy năm trở lại đây, tui trồng thêm ly, thược dược, cúc vạn thọ… Sau mỗi đợt thu hoạch, trừ mọi chi phí, gia đình tui cũng thu lãi được từ 20 đến 30 triệu đồng”. Tết vừa rồi, gia đình anh Phúc vừa nhập thêm giống ớt cảnh Đà Lạt mới.
Không riêng gì gia đình anh Phúc mà nhiều hộ dân trong xã Hòa Tiến cũng tìm được những mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lão nông Nguyễn Đức Đông, thôn Lệ Sơn, năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ngày ngày vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi thêm các mô hình trang trại kinh tế mới trên mạng. Hiện ông là chủ của trang trại với 6.000m2 diện tích mặt nước để nuôi cá. Trong đó có 2.000m2 được sử dụng để nuôi cá lóc trên cát, còn lại được sử dụng để nuôi cá trê và rô phi. Từ trang trại này, mỗi năm ông cho xuất khoảng 5 đến 6 lứa cá, thu về cho gia đình gần 150 triệu đồng tiền lãi. Ông Đông chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn cá đạt năng suất cao phải đảm bảo nguồn nước sạch và con giống tốt. Riêng thức ăn thì tui chỉ chuyên cho ăn các loại như tôm, cá nhỏ… chứ không cho cá ăn bột sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt”. Ông Đông “bật mí” thêm: “Kinh nghiệm của tui cũng nhờ tìm hiểu qua internet cả thôi”. Ngoài nuôi cá, trang trại của ông còn nuôi thêm 700 con heo. Năm tới, lão nông này dự định sẽ trồng thêm một số cây ăn quả theo mô hình VAC để nâng cao hiệu quả kinh tế cho trang trại. Mỗi lần, xã Hòa Tiến tổ chức các lớp học khuyến nông, ông Đông vừa là học viên tích cực nhưng cũng đồng thời là người truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu làm ăn từ mô hình của mình.
Nhà nông bắt nhịp với thị trường

Lão nông Nguyễn Đức Đông đang cho heo ăn
Tuy mô hình phổ cập CNTT này mới đưa vào ứng dụng trong thời gian ngắn nhưng nông dân tại hai xã Hòa Tiến và Hòa Liên khá thành thạo các thao tác cơ bản để sử dụng máy tính. Không chỉ tự truy cập và tìm kiếm thông tin về nông nghiệp, người dân ở đây còn đọc báo tìm hiểu về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong cũng như ngoài nước. Nhờ vậy mà những thông tin trên mạng có dịp theo chân họ ra đồng ruộng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Rau xanh xã Hòa Tiến là “khách hàng” thường xuyên của tiệm internet miễn phí này. Gia đình anh có hơn 600m2 diện tích đất trồng rau và là nơi cung cấp rau sạch cho toàn TP. Từ khi có internet về với xã, lúc nào rảnh rỗi anh lại lên đây “lướt web” tìm hiểu về các giống rau mới hợp với vùng đất và khí hậu của địa phương, cũng như “săn” các phương pháp phòng trừ sâu bệnh. “Tui mới tiếp cận internet nên không biết nhiều địa chỉ. Mà tui nghĩ, cứ vô “thằng” google (google.com.vn- PV) là hiệu quả nhất, chi cũng có”, anh Dũng cho hay.
Ngoài trang google, những trang web như Nhanong.net, Nghenong.com, Khuyennong-vn.gov.org và nhiều trang báo điện tử khác đã trở thành những địa chỉ quen thuộc với người nông dân nơi đây. Những thông tin mới về thời vụ, dịch bệnh, cách phòng trừ sâu bệnh, giá cả các loại lương thực, thực phẩm, cây, con giống đều được các nông dân thường xuyên theo dõi, cập nhật và phổ biến cho nhau. Ông Đặng Văn Quang (Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến) phấn khởi: “Từ ngày có internet, tình hình làm ăn của bà con nông dân trong xã có những dấu hiệu tốt lên. Mọi thông tin đều được người dân cập nhật nhanh chóng. Như trong đợt dịch heo tai xanh vừa rồi, nông dân lên mạng nắm được thông tin, sẵn có máy tính họ còn in ra văn bản trao tận tay từng nhà. Công tác phòng dịch cũng vì thế mà triển khai rất khẩn trương và nhanh chóng. Đợt dịch này, cả xã chỉ thiệt hại hơn 200 con, chủ yếu là các thôn giáp với huyện Điện Bàn – nơi xảy ra ổ dịch”.
Nhờ có internet mà người nông dân ở hai xã Hòa Tiến, Hòa Liên tự tin áp dụng khoa học kỹ thuật một cách có hiệu quả trên từng mảnh vườn thửa ruộng, đàn vật nuôi của mình. Đồng thời, từ những thông tin, kiến thức trên mạng, họ đã biết hội nhập với nền kinh tế thị trường để tính “nước cờ làm ăn”, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Hiện mạng internet trở thành công cụ đắc lực, song hành cùng người nông dân lao động sản xuất và giúp họ mở mang kiến thức.
Hòa Tiến có khoảng 3.760 hộ dân, do đó, số lượng sáu máy vi tính để phục vụ nhu cầu cho toàn bộ nông dân trong xã quả là điều vô cùng khó khăn. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của người nông dân chưa cho phép họ có thể tự lắp đặt một máy vi tính tại nhà. Nhiều người dân phải đi gần 5km mới tới được tiệm internet của xã. “Có những buổi tối bà con chờ nhau để tới lượt truy cập internet, người cuối cùng ra về cũng phải 12 giờ khuya. Nếu xã được tăng cường lắp đặt thêm một vài địa điểm nữa thì tốt biết mấy”, anh Thôi phân trần. 
Ông Đặng Văn Quang cho biết: “Trước đây, mọi kinh phí từ cước thuê bao đến cước sử dụng đều được Sở Thông tin – Truyền thông hỗ trợ nhưng đến nay, mọi sự hỗ trợ bị cắt giảm. Hiện, xã đang liên hệ tìm nguồn tài trợ kinh phí để tiếp tục duy trì phục vụ miễn phí cho nhu cầu truy cập thông tin của người nông dân”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Cuối năm 2009, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông tổ chức khai trương hai điểm truy cập internet miễn phí tại thôn Quan Nam 4 (xã Hòa Liên) và thôn La Bông (xã Hòa Tiến), mỗi điểm có 6 máy vi tính để giúp người dân địa phương truy cập khai thác thông tin ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu khác…

 

Bình luận (0)