Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi nhà trường bắt tay với doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Xưởng thực hành của các trường sẽ giúp SV hình thành được một số kỹ năng tối thiểu trước khi bước vào đợt thực tập (trong ảnh: SV Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đang thực hành tại xưởng do nhà trường đầu tư)

Học kỳ 2 của năm học cuối, sinh viên (SV) phải trải qua kỳ thực tập kéo dài từ một đến ba tháng, tùy ngành học. Quá trình này giúp các SV rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; đồng thời phản ảnh chất lượng đào tạo của các trường trước nhu cầu mà thị trường lao động đặt ra.
Tuy nhiên không phải SV nào cũng ý thức rõ về điều này, và không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng mặn mà trong việc nhận “lính mới” vào thực tập tại đơn vị mình…
SV phớt lờ – DN e ngại
Đối với SV năm cuối, đợt thực tập được coi là cơ hội “cọ xát” thực tế để bước vào đời. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít bạn trẻ có tâm lý chọn nơi thực tập dễ dãi về mặt quản lý cũng như thời gian để tiện “chuồn”. Vì theo họ đến cũng chẳng có việc gì làm ngoài pha trà, rót nước…
Bạn Trần Vũ Thị Giao (SV Trường CĐ Kinh tế kế hoạch, TP.Đà Nẵng) cho rằng, SV thường xin vào thực tập tại một công ty quen biết để dễ “vòi” giấy chứng nhận loại giỏi. Thời gian còn lại về quê hoặc làm việc khác. Còn bạn Nguyễn Xuân Hải (SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) nói: “Mình thích chọn nơi nào công việc thật nhàn vào thực tập để có thời gian đi làm thêm. Bởi dù gì thì đến cơ quan hay công ty thực tập cũng chỉ ngồi chơi”.
Không những thế, nhiều SV còn xem kỳ thực tập là thời gian nghỉ ngơi, không chịu tìm tòi học hỏi, tiếp cận thông tin, tự mãn với kiến thức có được, dựa dẫm vào tương lai do gia đình, người thân đã sắp đặt trước…
Trong một hội thảo bàn về mối quan hệ giữa DN và nhà trường, đại diện Công ty cổ phần Gạch men Cosevco (Đà Nẵng) đưa ra nhận xét: “Việc thực hiện nội quy, quy định của một số SV trong thời gian thực tập tại DN chưa tốt do không được đào tạo kỹ về tác phong, thái độ trong môi trường văn phòng công sở cũng như trong sản xuất công nghiệp. Hiện nay, tình hình quản lý con người chưa được coi trọng, phía nhà trường phó thác cho DN thông qua giấy giới thiệu. Đến lượt mình, DN không quản lý được do nhà trường không cung cấp kế hoạch nội dung và thời gian thực tập, chủ yếu để SV tự đưa ra rồi tùy ý tự do đến thực tập và nghỉ theo ý mình. Nhiều SV đến đơn vị thực tập vài lần, chủ yếu vào cuối kỳ để sao chép đề tài của các anh chị khóa trước”.
Một thực trạng khác mà nhiều DN – đơn vị tiếp nhận SV thực tập – phàn nàn là rất nhiều SV không có giáo viên hướng dẫn và không tổ chức thành tổ, nhóm thực tập dẫn đến việc xin đăng ký thực tập lẻ tẻ và chia thành nhiều đợt gây khó khăn cho việc sắp xếp thời gian cử cán bộ quản lý và hướng dẫn của các DN.
Nhà trường bắt tay DN
Điều đáng mừng là thời gian gần đây, các cơ sở đào tạo đã bắt đầu có sự đổi mới, kết hợp chặt chẽ với DN nhằm quản lý SV theo quy trình cụ thể trong thời gian thực tập. Để chuẩn bị nơi thực tập, kiến tập cho SV sư phạm, ngay từ đầu năm học, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã liên lạc với Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường gửi SV thực tập. Đối với những SV có nhu cầu thực tập tại các địa phương ở xa như Hà Nội, TP.HCM… nhà trường khuyến khích SV tự liên hệ bởi đây cũng là một cách để các em tự định hướng tương lai cho mình.
Hai năm trở lại đây, Trường CĐ Phương Đông (Đà Nẵng) không còn “khoán trắng” việc liên hệ nơi thực tập cho SV. Thay vào đó, nhà trường tổ chức cho SV đăng ký nguyện vọng nơi thực tập, khuyến khích các em về thực tập tại địa phương. Điều này vừa giúp giảm chi phí ăn ở trong thời gian thực tập, vừa tạo cơ hội để SV có việc làm gần nhà. Sau đó, các bộ phận tập hợp danh sách những SV ở cùng một nơi thực tập để nhà trường cử cán bộ trực tiếp liên hệ với các đơn vị tiếp nhận, trao đổi về nội dung, thời gian, số lượng SV… và ký kết hợp đồng. Ông Lê Ngọc Việt – Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Phương Đông, cho biết: “Việc để SV đăng ký nguyện vọng thực tập giúp chấm dứt tình trạng nhiều em đăng ký vào cùng một nơi. Đa phần các SV đều mong muốn được thực tập ở những công ty, đơn vị có tên tuổi nên dẫn đến tình trạng quá tải, DN không đủ điều kiện quản lý, theo dõi trong việc hướng dẫn, đào tạo. Vì vậy, tùy theo đặc thù nghề nghiệp, nhà trường sẽ điều chỉnh số lượng SV thực tập ở một đơn vị để thuận tiện cho việc nắm bắt, trao đổi kiến thức của các em. Chẳng hạn, với ngành điều dưỡng thì một bệnh viện lớn, có số lượng giường đông có thể chấp nhận nhóm SV thực tập; nhưng với các SV ngành ngân hàng, kế toán thì phải “rải” ra mới hiệu quả”.
Với mục tiêu đảm bảo chất lượng thực tập cho SV có hệ thống theo ngành nghề đào tạo, đối với một số ngành đặc thù như ngành hóa học, bên cạnh việc gửi SV thực tập ở ngoài, Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) còn tăng cường thời gian thực tập cho các em ngay tại trường. SV khối ngành xây dựng cũng được tổ chức thực tập ở trường một thời gian trước khi đến thực tập tại các công ty. Ông Võ Như Tiến, cán bộ công tác tại trường nói: “Tuy nhà trường phải “gánh” thêm chi phí về nguyên liệu để SV thực tập nhưng điều này sẽ giúp các em tự tin hơn khi tiếp cận với cơ sở. Đây cũng là cơ hội để các em hình thành các tác phong, kỹ năng tối thiểu đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất”.
Trường CĐ Nghề (Đà Nẵng) lại có một cách thức khác để tăng cường thời gian thực tập cho SV. Thay vì chỉ có một đợt thực tập cuối khóa như trước đây, lần lượt sau năm học thứ nhất và thứ hai, SV sẽ được đến các DN để kiến tập sản xuất và thực tập nghề nghiệp với thời lượng 100-200 giờ. Ngoài ra, trong quá trình học, nếu người sử dụng lao động hoặc DN có nhu cầu đặt hàng, trường sẽ cử GV đưa SV tham gia cho dù không “rơi” đúng vào thời gian thực tập theo lịch. Ông Phan Tiềm – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Sau gần 2 năm thử nghiệm, sự đổi mới này đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả thầy lẫn trò. Những kiến thức về quy trình sản xuất, an toàn lao động được SV khắc sâu nhờ có quá trình thực tế sản xuất. Đến với DN, các em cũng được tiếp cận với những thiết bị hiện đại mà nhà trường chưa có điều kiện để trang bị”.
Quá trình thực tập của SV không chỉ phản ảnh chất lượng đào tạo của các trường mà còn là cơ hội để các trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo thông qua việc điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)