Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi nhà trường, phụ huynh đều thích “điểm đẹp”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đọc câu chuyện giáo dục “Những bảng hạnh kiểm “đẹp” cuối năm” (ngày 30-5), tôi xin có vài ý kiến đề cập đến vấn đề chất lượng dạy và học trong nhà trường hiện nay.

Một trong những thước đo để “đong, đếm” chất lượng dạy và học chính là kết quả học tập của học sinh (HS). Theo đó, kết quả học tập của HS càng cao đồng nghĩa với chất lượng dạy và học càng tốt. Logic thường là vậy. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tiễn nhiều khi còn có khoảng cách. Ở không ít trường học hiện nay, nhiều HS có điểm số “đẹp”, tỉ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi cao nhưng lại không tỉ lệ thuận với chất lượng học tập thực tế của các em.

Vào đầu năm học, chỉ tiêu về số lượng HS xếp loại khá, giỏi đã được “khoán” về các lớp. Để đạt được danh hiệu lớp tiên tiến hay xuất sắc, cần phải đáp ứng những tiêu chí “cứng” nhất định về tỉ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi cuối mỗi học kỳ, năm học. Chẳng hạn, để lớp đạt danh hiệu xuất sắc, phải có ít nhất 30% HS có học lực xếp loại giỏi, ít nhất 50% HS xếp loại khá; để lớp đạt danh hiệu tiên tiến, phải có ít nhất 20% HS xếp loại giỏi, ít nhất 50% HS xếp loại khá… Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra, nhiều trường đã sử dụng các tiêu chí xếp loại thi đua như lao động tiên tiến hay chiến sĩ thi đua cấp cơ sở để “ép” giáo viên phải phấn đấu. Đáng nói, những tỉ lệ đặt ra nói trên nhiều khi chỉ là vì một số lý do khác như: Làm “đẹp” hồ sơ báo cáo thành tích cuối năm, lấy “tiếng” để dễ kéo HS đến lớp học thêm, đáp ứng yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia…

Việc giao chỉ tiêu về tỉ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi tới các lớp theo lối áp đặt, cào bằng mà không dựa vào kết quả khảo sát chất lượng học tập thực tế của HS khiến cho không ít giáo viên phải tìm cách đối phó bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thông dụng nhất vẫn là nâng điểm để “kéo” tỉ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi lên. Đây cũng là lý do giải thích cho hiện tượng “nở rộ” danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến ở nhiều trường học hiện nay. Đáng nói là, việc giáo viên nâng điểm ảo cho HS cũng nhận được sự thỏa hiệp ngấm ngầm từ phía các bậc phụ huynh. Không ít phụ huynh biết được điểm số mà con đạt được không phản ánh đúng năng lực học tập nhưng vẫn làm ngơ vì tâm lý sĩ diện muốn con được “bằng bạn bằng bè” và có dịp được “nở mày nở mặt” với mọi người. Tham gia họp phụ huynh, nhiều người tỏ rõ sự hào hứng, phấn khởi khi con mình được xướng tên trong danh sách HS tiên tiến hay xuất sắc mà không mấy quan tâm thành tích ấy là thực hay ảo? Thậm chí, có phụ huynh còn vận dụng các mối quan hệ để tìm cách xin điểm cho con. Thực tế này xảy ra nhiều ở các lớp cuối cấp với mong muốn “đẹp hóa” học bạ.

Thực trạng chạy theo điểm số “đẹp” kéo theo tỉ lệ cao HS đạt các danh hiệu tiên tiến, xuất sắc nhưng thực chất là sản phẩm của bệnh thành tích vốn tồn tại dai dẳng bấy lâu nay ở nhiều trường học. Nó gây ra nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Trong đó, người chịu hậu quả trực tiếp chính là bản thân HS và nhà trường nơi HS theo học. Về phía HS, nhiều em chỉ có học lực làng nhàng nhưng vẫn có điểm số cao, cuối kỳ vẫn đều đặn đạt danh hiệu HS tiên tiến có thể ngộ nhận về khả năng của bản thân, không còn động lực để cố gắng, nỗ lực trong học tập. Những lỗ hổng kiến thức cũng vì vậy mà ngày càng lớn hơn. Đây cũng là lý do để lý giải cho hiện tượng vì sao cùng một HS khi học THPT đạt danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền với điểm số cao nhưng khi thi THPT quốc gia lại chỉ đạt mức điểm thấp dưới trung bình. Về phía nhà trường, việc ngầm “khuyến khích” hay dung túng cho giáo viên nâng điểm ảo cho HS để chạy theo thành tích sẽ khiến cho tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” càng thêm trầm trọng. Lòng tin của xã hội và “thương hiệu” của nhà trường sớm muộn cũng sẽ bị giảm sút, mai một dần. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự thay đổi trong quan niệm về danh hiệu, điểm số đạt được của con em trong quá trình học tập từ phía các bậc phụ huynh, điều quan trọng vẫn nằm ở cái tâm và ý thức trách nhiệm của người giáo viên trong quá trình kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của HS sao cho thực chất. Chỉ khi bệnh thành tích bị đẩy lùi, kết quả học tập của HS được đánh giá chính xác mới phản ánh trung thực chất lượng dạy và học ở các nhà trường.

Bùi Minh Tun
(Trưng THPT Kim Liên, Ngh An)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)