Một tháng sau khi Trước giờ yêu – bộ phim của Tùng Leo, Michael Thái và Huỳnh Anh Duy – rời rạp chiếu, cuốn sách chuyển thể từ kịch bản phim do Phan Ý Yên thực hiện cũng chính thức ra mắt độc giả với tên gọi Trước giờ “yêu” – Yêu thời “quẹt phải”.
Mở rộng “đời sống” của phim
Sách dày 184 trang, khai thác sâu hơn những tuyến nhân vật trên phim cũng như giúp độc giả hiểu hơn về tâm lý, tính cách và hành động của các nhân vật. Theo chia sẻ từ nhà sản xuất, sách ban đầu được làm với mục đích quảng bá thêm cho phim, dự kiến ra mắt cùng thời điểm. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan nên khâu phát hành chậm hơn. “Sở dĩ chúng tôi vẫn chọn ra mắt sách dù muộn hơn dự kiến vì điều này đã được lên kế hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn mở rộng đời sống của một tác phẩm điện ảnh tại thị trường Việt Nam vốn khá ngắn ngủi” – đại diện nhà sản xuất chia sẻ.
Cuốn sách được Phan Ý Yên chuyển thể từ phim Trước giờ yêu
“Thực tế, trên thế giới, một bộ phim có thể tiếp cận với công chúng bằng nhiều cách, mang lại những trải nghiệm giải trí đa dạng. Đầu tiên là bản thân bộ phim. Sau đó là một loạt sản phẩm phái sinh như: văn học, truyện tranh, game, đồ chơi…” – anh Nguyễn Thanh Phương – người sáng lập Bột Creative – nói.
“Ưu điểm của chuyển thể ngược là có thể bù đắp những thiếu sót hay lỗ hổng trong kịch bản bằng những trường đoạn hoặc tình huống mới mà không sợ phá vỡ cái khung sẵn có của kịch bản” – tác giả Phan Ý Yên nói.
Với thị trường Việt Nam, chuyển thể ngược vẫn còn là cách làm khá mới mẻ và có số lượng ít ỏi. Trước Trước giờ yêu, có 2 phim Việt được chuyển thành sách là Mẹ chồng (năm 2021) được tác giả Kim chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Lý Minh Thắng và Vũ điệu tử thần (năm 2007) được Trần Thanh Hà viết từ kịch bản cùng tên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Doanh thu và hiệu ứng mang lại từ sách không mấy khả quan.
Làm thế nào để tạo sức hút?
Anh Nguyễn Thanh Phương nhận định: có một khoảng cách khá xa khi so sánh thị trường chuyển thể ngược của thế giới và Việt Nam, vì “thị trường văn học tiếng Việt quá nhỏ so với những ngôn ngữ phổ biến khác và thói quen đọc sách của người Việt chưa nhiều”. Việc các nhà sản xuất hay những đơn vị xuất bản dám “dấn thân” vào con đường này rất đáng hoan nghênh. Anh bày tỏ sự lạc quan: “Nhiều tác giả viết tốt nhưng chưa được công chúng biết đến. Nhiều kịch bản có những ý tưởng hay, nhưng chưa được dụng công đầy đủ để đi đến cùng.
Một số tựa sách “chuyển thể ngược” từ những phim ăn khách quốc tế được dịch sang tiếng Việt
Năm 2023, lần đầu tiên Box Office Việt Nam chứng kiến 6/10 phim đoạt doanh thu cao nhất là phim nội địa. Điều đó chứng tỏ, khán giả/độc giả Việt Nam ngày càng hứng thú hơn với những câu chuyện Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng này là chất xúc tác để các nhà sản xuất nghiêm túc hơn với việc đầu tư vào văn học nói chung, đầu tư vào các đầu sách chuyển thể từ kịch bản nói riêng. Nhìn chung, không có một thị trường điện ảnh nào khỏe mạnh nếu không có sự song hành của một nền văn học dồi dào sinh khí”.
Chia sẻ về khó khăn khi chuyển thể ngược, Phan Ý Yên nhấn mạnh, người viết nên chấp nhận quyền sáng tạo nằm trong khuôn khổ, tôn trọng những ý tưởng đã được cố định về kết cấu, chân dung nhân vật. Sự bất đồng trong cách nhìn nhận về diễn tiến của câu chuyện cũng có thể trở thành rào cản mà người viết phải tìm cách dung hòa. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng tán thành ý kiến này. Anh cho biết, điều quan trọng nhất trong chuyển thể ngược là sự am hiểu về tính cách và đường dây câu chuyện để giữ được bầu không khí mà bộ phim mang lại.
Ở góc độ kinh doanh, ông Steven Trần – một nhà đầu tư phim – cho rằng, với thị trường còn non trẻ như Việt Nam, đơn vị chọn theo đuổi hình thức chuyển thể ngược nên bắt đầu từ những bộ phim ăn khách tương tự thị trường quốc tế. “Một cuốn sách hay, được nhiều người đón nhận sẽ tạo đà cho phim khi chọn chuyển thể và ngược lại, một bộ phim được hàng triệu người theo dõi ít nhất sẽ tạo sức hút cho độc giả khi làm thành sách” – ông nhận định.
Theo Nhã Ca/PNO
Bình luận (0)