Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi phụ huynh cần sự phối hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ ai cũng yêu thương con, chăm sóc con tận tình. Song cái tận tình của mẹ em D. (học sinh lớp 4) nhiều khi quá đáng, đến chướng mắt… với một số người: Giờ chơi D. đòi mẹ vào, mẹ bỏ việc làm đến với con; vừa tan học ra về D. gọi, mẹ hộc tốc đến ngay…

Đến ngày sinh nhật D., mẹ tặng em chiếc điện thoại. Có điện thoại trên tay, những lúc nhớ mẹ, D. lấy ra nhắn tin tâm sự, ban đầu là trong giờ chơi, rồi sau đó lấn sang giờ học. Vì thế đã làm ảnh hưởng đến công việc làm của mẹ D., còn em thì xao nhãng không nghe thầy cô giảng bài trên lớp.

Lẽ dĩ nhiên đó là lỗi gia đình, chắc vì cưng, đã quen chiều con nên sợ phật lòng con. Chịu hết nổi, người mẹ cầu cứu đến cô giáo với yêu cầu thu điện thoại của D. Vì em không biết mẹ yêu cầu nên đã lén lấy điện thoại của mẹ và nhắn tin cho cô giáo: “P. ơi (tên cô giáo chủ nhiệm), em trả điện thoại cho bé D. nha!”. Cô giáo thật tình nhắn tin lại: “Dạ!”.

Với việc D. giả mẹ nhắn tin cho cô giáo là một hành động không thể chấp nhận được. Tôi và nhiều thầy cô giáo trong trường cùng một số phụ huynh nghĩ rằng em đã hư.

Ngày mẹ D. phản ảnh chuyện em giả mẹ nhắn tin cho cô P. là ngày cô phải đi họp. Tôi xuống lớp dạy thay, thấy D. mải khóc không làm bài, mặc cho các bạn méc. Tôi làm lơ với câu nói: “Nhiệm vụ của các em là học” và tôi bắt đầu giảng bài. Đến phần làm bài, tôi kêu D. lên ngồi cạnh, như người đã hiểu chuyện, tôi yêu cầu em ghi những điều cần nói và lời hứa. Lúc đó D. nín khóc và hỏi rất thơ ngây: “Em viết rồi cô nói cô P. trả điện thoại cho em nha”. Không hiểu sao nhìn vào ánh mắt em tôi lại rất tin tưởng. “Cô hứa!”, tôi nói. Càng tiếp xúc với D., tôi thấy em cũng là đứa bé ngoan.

Những hôm sau, D. đều đến cửa phòng ban giám hiệu và mỉm cười như để báo rằng em đã ngoan và không còn “quậy” trong lớp nữa.

Việc phối hợp để giáo dục D. tốt hơn trong trường hợp trên trông cũng rất đơn giản, song nếu không có sự phối hợp kịp thời giữa gia đình và nhà trường có thể em sẽ hư, không nghe lời cha mẹ, thầy cô giáo.

Mỹ Lệ (Thủ Đức, TP.HCM)

Bình luận (0)