Khi được hiệu trưởng quan tâm, giáo viên và học sinh sẽ phát huy khả năng tốt hơn (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Tình huống:
Vào những tuần đầu của năm học mới, một giáo viên (GV) dạy một lớp của khối 5 bị ốm phải nghỉ dạy, GV dự khuyết tên Mai được phân công vào dạy thay. Sau khi kết thúc buổi học, em lớp trưởng và một số học sinh trong lớp đã gặp thầy hiệu trưởng nói rằng: Thầy có thể để cô Mai dạy lớp con luôn được không? Cô Mai giảng bài rất dễ hiểu. Cô chủ nhiệm của con giảng bài khó hiểu quá.
Cách giải quyết:
Nếu tôi là hiệu trưởng, trước tiên tôi sẽ mỉm cười và khen ngợi các em đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình và có lời khen các em cũng đã rất ngoan ngoãn chú ý lắng nghe cô giáo dạy thay giảng bài. Điều này sẽ làm cho cô giáo chủ nhiệm của các em đang dưỡng bệnh ở nhà cảm thấy yên tâm vì các em sẽ không bị hỏng kiến thức. Và tiếp theo tôi sẽ giải thích cho các em hiểu rằng mỗi thầy cô giáo đều có một phương pháp giảng dạy riêng nhưng đều có chung một mục đích là truyền thụ kiến thức và giúp cho học sinh hiểu bài, nắm kiến thức. Chính vì thế các em không nên so sánh và chê bai GV đã giảng dạy mình. Và tiếp theo tôi sẽ giải thích cho các em hiểu rằng cô giáo chủ nhiệm lớp của các em là một GV có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao. Cô còn là GV rất tận tâm với học sinh, những lớp học sinh trước mà cô chủ nhiệm đều rất yêu cô. Có thể các em chưa quen với phương pháp dạy học của cô giáo chủ nhiệm nên thấy khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Sau đó tôi sẽ nhắc các em nên chăm chú nghe GV giảng bài hơn và mạnh dạn hỏi lại cô giáo ở những vấn đề mà mình cảm thấy chưa hiểu trong bài học. Cô tin chắc rằng một GV luôn tận tâm với học sinh như cô giáo chủ nhiệm của các em sẽ điều chỉnh phương pháp dạy học để giúp các em nắm kiến thức dễ dàng hơn.
Mặt khác, tôi sẽ để ý nhiều hơn về thái độ học tập của các em học sinh trong lớp này. Cụ thể, tôi sẽ nhẹ nhàng dự giờ thăm lớp để nắm phương pháp giảng dạy của cô giáo. Từ đó cùng cô đưa ra phương pháp giảng dạy thích hợp nhất giúp học sinh dễ hiểu và hăng say trong học tập.
Phân tích:
Theo tôi, cách giải quyết của hiệu trưởng trong tình huống là đã vận dụng tốt học thuyết quản lý khoa học của Frededric W. Taylor.
Thuyết quản lý khoa học xác định một cách khoa học khối lượng công việc hằng ngày, phải nghiên cứu thời gian và thao tác cần thiết cho công việc để xây dựng định mức công việc. Phải chọn người thích hợp, thạo việc cho mỗi công việc. Các bên phải có tinh thần hợp tác cùng nhau, cố gắng thì mới có kết quả tốt. Học sinh thì lắng nghe cô giáo giảng bài, mạnh dạn nêu những vấn đề chưa hiểu. GV thì lắng nghe ý kiến của học sinh để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Hiệu trưởng đã đưa ra lý do thuyết phục cho việc mình chọn đúng GV làm công tác chủ nhiệm lớp của các em học sinh. Theo đó, GV phát huy được phương pháp giảng dạy và học sinh nắm được kiến thức bài học.
Bên cạnh đó cách giải quyết của hiệu trưởng cũng dựa vào các học thuyết theo trường phái hành vi. Theo ông Elton W. Mayor: Sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý của con người như muốn được người khác nhau quan tâm, kính trọng. Hiệu trưởng đã tỏ ra quan tâm và tôn trọng ý kiến của học sinh cũng như tôn trọng cô giáo chủ nhiệm của lớp đó. Cả GV và học sinh sẽ làm tốt hơn nếu hiệu trưởng hiểu, quan tâm trong công việc và vấn đề là hiệu trưởng biết khơi gợi cho cả GV và học sinh tự chủ động trong công việc. Cả GV và học sinh sẽ phát huy khả năng tốt hơn trong môi trường thân thiện.
Nguyễn Thị Ngọc Thơ – Nghiêm Ý
Bình luận (0)