Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Khi rừng đặc dụng được khai thác làm du lịch…

Tạp Chí Giáo Dục

Ai đã qua các khu rừng thuộc vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (nay thuộc Hà Nội) quản lý cách đây vài năm, nay trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi cảnh quan, nhất là ở các khu vực Thiên Sơn – Suối Ngà, đỉnh Ba Vì… Đã có những khu nhà nghỉ dưỡng, bể bơi, những túp lều câu cá ven hồ… được xây lên, biến VQG thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng với tên gọi “du lịch sinh thái”. Nhiều cánh rừng đã rậm rì hơn trước, không còn thấy những khoảng đất trống, núi trọc ven đường, song cũng dễ thấy những biểu hiện của hoang dã, hoang sơ: thú rừng, chim muông… đã dần mất đi

Đường lên Tam Đảo Ảnh: TL Wikipedia

Môi trường tự nhiên biến dạng vì công trình dịch vụ

Hầu hết các khu VQG hiện nay đều đã ở trong trạng thái như vậy, sau khi đề án thí điểm sử dụng rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái được triển khai từ năm 2002 đến nay. Có những nơi làm dở như khu Thác Đa, hay VQG Ba Bể (Bắc Kạn), hay VQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… do sự khai thác thái quá của những nhà đầu tư vào các dịch vụ, khiến môi trường tự nhiên ít nhiều bị biến dạng. Có những rừng cây rất đẹp, nguyên sơ bị tàn phá, nhường chỗ cho một số công trình dịch vụ. Như ở VQG Ba Bể, những loài thú quý hiếm như voọc, sóc, vượn…, nay hầu như không thấy nữa bởi sự xuất hiện của khách du lịch. Nhưng cũng có một số VQG như Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Cát Tiên (Lâm Đồng)… nơi tuy cũng đã làm dịch vụ du lịch, nhưng các hoạt động đầu tư, khai thác, tổ chức tham quan được thực hiện khá nghiêm ngặt, hợp lý.

Những năm trước đây, người dân sống trong khu vực, ở vùng giáp ranh các VQG không được hưởng lợi gì từ nó, nên thường xuyên xảy ra các hoạt động xâm hại: chặt phá cây, săn bắn trộm. Việc bảo vệ rừng của kiểm lâm gặp khó khăn vì kinh phí cấp hạn hẹp. Nhưng với cơ chế mới, những người dân sống ở bìa rừng, các doanh nghiệp được thuê rừng đã có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn, bởi chính họ được hưởng lợi lớn. Kiểm lâm cũng không còn kêu thiếu người, thiếu kinh phí. Theo cục Kiểm lâm, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sáu năm qua, các VQG đã thu được khoảng 17 tỉ đồng từ khai thác dịch vụ, cho thuê rừng, môi trường rừng. Đời sống của dân các làng, bản quanh các khu VQG được cải thiện. Ở các vùng quanh VQG Ba Vì, tỷ lệ hộ nghèo, đói vào năm 2003 là 25,3%, đến năm 2007, chỉ còn 9,7%, trong đó, cơ bản là do dân có tiền từ việc làm dịch vụ cho khách đến VQG.

Vừa mừng, vừa lo

Số thu đó không phải là lớn, nhưng nó khiến cho những chi cục, đơn vị kiểm lâm các khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên (tổng số có 164 khu với diện tích hơn 2,26 triệu hécta, trong đó có khoảng 1/2 thuộc các VQG) vui mừng. Tuy nhiên, ở đây, lại có những vấn đề đặt ra cho tương lai của các VQG.

Giám đốc VQG Bạch Mã, ông Huỳnh Văn Kéo cho rằng, cần phải có một đề tài nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, văn hoá, hiệu quả kinh tế… khi các VQG chuyển sang làm du lịch. Ông Trịnh Quang Bích, giám đốc VQG Cúc Phương nói rằng, ông rất lo ngại khi nhiều nhà đầu tư hiện nay muốn nâng diện tích được tác động (chặt phá rừng cây, xây dựng các công trình: nhà nghỉ, đường…) từ mức 3% quy định hiện nay lên 5%. Bởi theo ông, mức tác động đến môi trường rừng là rất khác nhau: có nơi 3% vẫn là ít, nhưng có nơi 1% đã là quá nhiều. Người ta không thể không lo ngại khi một vị lãnh đạo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyên bố “chúng ta không thể để các cánh rừng hoang sơ, mà cần phải có tác động vào nó để khai thác, phục vụ du lịch”.

Các vấn đề về thuê đất, giá đất giao rừng, cách thức tổ chức dịch vụ… cũng đều chưa có quy định rõ ràng. Cho nên, nếu không được nghiên cứu, triển khai thực sự có khoa học, thì sẽ có nhiều VQG rơi vào tình trạng bị khai thác, sử dụng bừa bãi.

Mạnh Quân (SGTT)

Bình luận (0)