Y tế - Văn hóaThư giãn

Khi sách không phải để đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vòng chưa đầy 1 tuần, 2 cuốn tự truyện của 2 nghệ sĩ đã gây xôn xao dư luận, dù 1 cuốn thậm chí còn chưa chính thức xuất hiện. Điều đáng nói là với 2 trường hợp này, sách không đơn thuần để đọc mà còn để những người trong cuộc tạo ấn tượng cho những kế hoạch sâu xa hơn.

Ra mắt tự truyện của người sáng lập Nhà may mắn, một trong những cuốn tự truyện có ý nghĩa tích cực

Ra mắt tự truyện của người sáng lập Nhà may mắn, một trong những cuốn tự truyện có ý nghĩa tích cực

Tự truyện ở tuổi 23
Thông thường, khi nhắc đến việc viết tự truyện, người ta thường nghĩ ngay đến tác giả là những người đã ở một độ tuổi nhất định, hoặc ít ra đã trải qua một sự kiện lớn nào đó và họ viết để hồi tưởng, nhìn nhận lại quá khứ.
Thế nhưng, ca sĩ Sơn Tùng – MTP (tên thật là Nguyễn Thanh Tùng) ra mắt tự truyệnChạm tới giấc mơ ở tuổi 23 lại nằm ngoài thông lệ. Tự truyện của Sơn Tùng nhắc bạn đọc nhớ đến một cuốn tự truyện khác, đó là Là tôi, Hà Anh của siêu mẫu, MC Hà Anh.
Cũng với lời giới thiệu truyền cảm hứng, cũng có một kết cấu tương đồng từ tuổi thơ, công việc, thành công khi đó và cùng một điểm chung – tác giả còn rất trẻ. Chỉ có một khác biệt là Sơn Tùng – MTP có nhiều khán giả hâm mộ nên sức mua sách của chàng ca sĩ trẻ này cao bất thường, chỉ trong 2 ngày, hơn 10.000 bản sách đã bán hết.
Ngay khi sức nóng cuốn tự truyện của Sơn Tùng vẫn chưa kịp nguội, dư luận lại xôn xao trước thông tin ca sĩ Hoàng Thùy Linh chuẩn bị ra sách. Cuốn tự truyện dự kiến có nhan đề Vàng Anh và Phượng Hoàng, theo lời giới thiệu là sẽ “đối diện thẳng” vào sự cố lộ clip nhạy cảm 10 năm trước, đồng thời giải thích việc làm sao để cô diễn viên trẻ có thể vượt qua cú sốc đầu đời, tiếp tục con đường nghệ thuật.
Việc giới thiệu cuốn tự truyện này cũng được xem là một sự kiện hy hữu trong lĩnh vực xuất bản trong nước, khi một cuốn sách được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng vài tháng trước khi được chính thức ra mắt (dự kiến tháng 11-2017). 
Việc ra mắt một cuốn sách với Sơn Tùng – MTP không phải là chuyện lạ. Đây cũng là hình thức quen thuộc của các ca sĩ trẻ trên thế giới. Gần đây nhất là ca sĩ Zayn Malik, cũng ra mắt tự truyện ở tuổi 23, hay trong nước là Jun Phạm với cuốn 365: Những người lạ quen thuộc.
Trên thực tế, các tác phẩm dù là tự truyện, hồi ký… nhưng trên thực tế chỉ nhằm để kể về một vấn đề nào đấy mà tác giả muốn giải thích với bạn đọc bằng một hình thức khác biệt. Với Jun Phạm, đó là kỷ niệm 5 năm cùng các bạn đồng nghiệp sinh hoạt trong nhóm nhạc 365, với Sơn Tùng là hướng đến giải thích việc vì sao chia tay 2 ông bầu để trở thành ca sĩ tự do…
Với một nội dung hẹp như vậy, không khó hiểu khi đối tượng mua sách chỉ tập trung vào giới hâm mộ của ca sĩ ấy. Sách chỉ đóng vai trò phụ, bởi phần lớn nội dung, người hâm mộ đều đã biết qua các bài báo, trang mạng xã hội… Việc mua sách đa số nhằm ủng hộ hơn là ở sự hấp dẫn của nội dung.
Nhưng với cuốn tự truyện của Hoàng Thùy Linh lại là một trường hợp lạ, bởi ngay từ đầu nó đã được xem là một phần trong chiến dịch truyền thông lớn cùng tên – Vàng Anh và Phượng Hoàng. Đây là chiến dịch truyền thông nhằm nhớ lại 10 năm sự kiện Hoàng Thùy Linh, khi đó còn là diễn viên phim truyền hình, bị lộ hình ảnh nhạy cảm. Có lẽ không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, hiếm có một nghệ sĩ nào lại lấy sự kiện buồn và đáng xấu hổ của mình làm điểm mốc sự nghiệp.
Với việc đưa khái niệm Phượng Hoàng, loài chim biểu tượng cho sự tái sinh từ tro tàn, rõ ràng thông điệp của cô ca sĩ trẻ này là nhắm tới việc vượt qua cú sốc lớn để trở lại trong sự nghiệp biểu diễn. 
Lợi bất cập hại
Những năm gần đây, thể loại tự truyện, hồi ký đang trở thành một công cụ hiệu quả của giới nghệ sĩ. Vẫn có những tự truyện mang nhiều ý nghĩa, có giá trị, không chỉ phản ánh cuộc đời cá nhân của tác giả mà còn góp phần giúp bạn đọc nhìn thấy được những góc khuất của nghệ sĩ, của đời sống nghệ thuật, như hồi ký Sống cho người – Sống cho mình của NSND Kim Cương. Tác phẩm tái hiện chân thực cuộc đời nghệ sĩ với đầy đủ cung bậc cảm xúc.
Thế nhưng, bên cạnh đó đa số các tự truyện của nghệ sĩ lại gây hiệu ứng ngược. Tiêu biểu nhất có thể kể là cuốn Lê Vân – Yêu và sống, có thể xem là phát pháo mở đầu trào lưu tự truyện nghệ sĩ phong cách mới sau này. Thế nhưng, bên cạnh thành công về số lượng sách bán ra, cuốn tự truyện này cũng đặt dấu chấm hết cho hình ảnh nghệ sĩ Lê Vân. Khi bị bạn đọc buộc cho cái án “cướp chồng người” từ những miêu tả trong sách.
Hàng loạt nghệ sĩ cũng háo hức viết tự truyện, từ thế hệ trước như NSND Thanh Hoa, sau này như Thanh Lam, đến cả Đàm Vĩnh Hưng… Thế nhưng, sau khi cuốn sách của Lê Vân bị phê phán, những dự án tự truyện trên cũng lặng lẽ biến mất. Phải vài năm sau, các nghệ sĩ mới quay lại viết tự truyện, nhưng đa số vẫn gây phản ứng tiêu cực.
Lý giải nguyên nhân vì sao tự truyện nghệ sĩ dễ gây phản ứng, là do cá tính của các tác giả. Hầu hết các tác phẩm được viết ra nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề cá nhân hơn là hướng đến người đọc.
Hồi ký của cựu diễn viên Thương Tín viết để kiếm tiền nuôi con nhỏ, kết quả là sách tràn ngập chuyện trai gái, lạm dụng tình dục… để câu khách.
Hồi ký của nghệ sĩ Ái Vân viết để giải thích việc bỏ trốn năm xưa, kết quả là chuyện trốn chẳng ai để ý mà bạn đọc chỉ chăm chăm vào “những trang bỏ trống” vì đụng chạm đến đời tư của người cũ hiện vẫn sinh hoạt trong giới nghệ thuật. 
Với cuốn tự truyện chưa ra mắt của Hoàng Thùy Linh, một nhà văn nổi tiếng đã đặt câu hỏi trên mạng xã hội: “Em muốn làm gì vậy?”, bởi chuyện 10 năm trước cũng chẳng có uẩn khúc gì đáng để nhắc đến, càng không phải chuyện vui vẻ gì để khơi lại. Có chăng chính là những đáng tiếc về một lối sống mà lẽ ra phải trở thành bài học hơn là công cụ để sử dụng cho những mục đích khác.

TƯỜNG VY/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)