Thầy cô la mắng, đòn roi với học sinh sẽ bị khép tội xúc phạm thân thể, nhân phẩm học trò. Chuyện không dừng lại ở việc khiển trách trong trường học mà sẽ nhanh chóng lan truyền, và người trong cuộc chẳng bao giờ muốn phải bị lên “thớt” trong thời đại CNTT. Học sinh sai phạm, không thể “thương cho roi cho vọt”, dỗ dành vài lần không nghe, nhiều giáo viên chọn cách làm lơ với sai trái của các em; nhiều đồng nghiệp nói rõ rằng, giáo viên nào chẳng muốn giáo dục đạo đức học sinh nhưng rây vào không khéo rách việc. Bạn nghĩ mà coi, cũng sợ chứ, nhà giáo sống bằng lương nên lo mà giữ “nồi cơm” của mình, la rầy trách mắng học sinh không khéo léo, lỡ bị nâng quan điểm là to chuyện.
Như tôi đây, đầu năm học có lỡ miệng la vài học sinh, tôi nói lỡ miệng bởi câu la ấy của tôi là câu cửa miệng, nói trong lúc giận dữ thôi chứ không có ý rủa nộp, chì chiết gì hết. Nhưng ngay lập tức bị nêu tên trong cuộc họp phụ huynh với tội trạng: cô giáo xúc phạm nhân phẩm học trò.
Ôi trời, tôi nghe xong là mướt mồ hôi luôn. Đừng lạm dụng từ “xúc phạm nhân phẩm” như thế chứ. Lớp 10B là lớp của những học sinh có học lực trung bình trở xuống. Bước vô lớp thì ồn ào hơn buổi chợ đang đông. Giáo viên từ dỗ dành đến phê bình, khiển trách…, tóm lại là biện pháp giáo dục cứng có, mềm có nhưng không bài nào hiệu lực. Làm sao dạy được trong tình trạng cô nói mặc cô, trò giỡn mặc trò. Đã thế, trong lớp học nhưng vẫn nghe điện thoại đổ chuông, nhạc chuông “cực độc” luôn. Rồi nam nữ bẹo má nhau, đấm vào lưng thùm thụp… Thấy lớp hỗn độn như “đại hội võ lâm”, tôi giận quá, mất bình tĩnh, gào lớn: “Các em bị làm sao vậy?”. Đấy, một câu quen miệng lúc giận, không biết học sinh về “tam sao thất bổn” thế nào khiến phụ huynh phẫn nộ, nhưng nếu nói thế mà bị quy tội “xúc phạm nhân phẩm” học trò thì hơi bị oan. Đừng “chành từ chẻ ngữ” như vậy, tội nghiệp giáo viên lắm, cũng chỉ muốn uốn nắn học sinh thôi mà. Cũng từ vụ ấy, tôi bắt đầu thấy sợ, nên luôn chú ý “uốn lưỡi bảy lần” nếu phải nhắc nhở học sinh.
Tôi luôn quan niệm, “dạy” phải đi với “dỗ” nhưng biện pháp ấy bất lực với những lớp siêu quậy. Tôi cũng ủng hộ giải pháp “thương cho roi cho vọt” nhưng còn ngại. Tôi muốn tham khảo câu trả lời cho câu hỏi: “Thương cho roi cho vọt liệu có lỗi thời ?” từ phía học sinh nên sáng nay, tôi có tranh thủ hỏi các em khối 11 tôi đang dạy thế này: “Cô hỏi thiệt nha, nếu khi các em sai trái, các em thích kiểu giáo dục nào, thích thầy cô nhẹ nhàng nhắc nhở hay muốn răn nẹt, khiển trách mạnh tay, cách nào khiến tụi em “tỉnh” ra nhanh nhất?”. Tôi vừa nói xong thì đa số các em đồng thanh nói: “Chửi mạnh vào cô!”. Tôi có phần kinh ngạc với câu trả lời này, vì ngay lúc đặt câu hỏi, tôi đã nghĩ 100% các em sẽ chọn phương án nhẹ nhàng nhắc nhở. Tôi bèn yêu cầu các em trả lời vì sao thì một em đứng dậy nói dõng dạc: “Biện pháp giáo dục “tạt một gáo nước lạnh vô mặt” hiệu quả lắm cô, vì tái mặt nên tỉnh nhanh lắm, và không muốn bị ăn một gáo nước nào nữa. Như chúng em đây, năm nào lớp gặp một thầy/cô chủ nhiệm nổi tiếng “hung dữ” thì các bạn rất khuôn phép, đố bạn nào dám ho he. Tụi nó quậy cũng nhìn mặt lắm! Tụi nó sợ kỷ luật “thép”, thầy cô hiền lành thì tụi nó sẽ được nước làm tới á!”.
Em học sinh trả lời xong, tôi cũng “tỉnh” ra, chẳng phải hồi nhỏ tôi rất sợ thầy mắng nên không dám sai phạm sao? Nhưng cô – trò nhất trí liệu đã đủ chưa, tôi còn phải trông chờ vào thái độ của phụ huynh nữa?
Nguyễn Thị
Bình luận (0)