Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khi sếp “chơi” không đẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng thời gian làm việc với một vị sếp "tồi" cũng giúp rút ra nhiều kinh nghiệm trong công việc và cách đối nhân xử thế.

Anh Nguyễn Xuân Bách, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Thành An (Hà Nội) kể, trước khi làm "sếp", anh đã trải qua nhiều năm làm nhân viên và khoảng thời gian anh không thể quên được là lúc chịu sự quản lý của một vị trưởng phòng mà theo anh nói là “có vấn đề về đầu óc”, lại ngông nghênh. Khi đó anh mới ra trường và về đầu quân cho một công ty xây dựng. 
Tranh minh họa. Báo Đất Việt
 Anh Bách nhớ lại, vị sếp này có một sở thích… đáng ghét là là hay bêu riếu, chọc quê nhân viên để làm trò vui giữa chốn đông người. Ông ta tự cho thế là hòa đồng, gần gũi với "quân". Có lần anh và đồng nghiệp đang ngồi quán trà đá trước cửa công ty, sếp đi qua thấy vậy liền vào góp chuyện. Mọi người biết tính sếp hay xoi mói nên thường rất dè dặt khi tiếp xúc.
Giữa chốn đông người, vị sếp liền chỉ tay vào một anh nhân viên và nói: “Tao không biết mày có bồ bịch lăng nhăng gì không nhưng lần sau đừng có dẫn bạn gái về công trường chơi nữa, đám công nhân nó xì xầm cho mất hay”, làm anh này tái mặt, còn những người xung quanh thì chỉ còn biết cười phụ họa.
Theo anh Bách, việc sếp xưng “mày – tao” với nhân viên có thể chấp nhận được vì đôi khi đó là cử chỉ thân mật, song có những chuyện sếp chỉ nên góp ý riêng chứ không nên nói “bô bô” giữa đám đông như vậy.
“Hồi đó tôi còn trẻ lắm, mới ra trường nên chỉ thấy sếp thật buồn cười, chứ chưa nhận thức sâu sắc được rằng chịu “ách thống trị” của những vị sếp này sẽ là một thảm họa, dù anh ta có năng lực chuyên môn tốt. Khi tôi lập công ty và lên chức "sếp" cũng khoảng bằng tuổi vị trưởng phòng của tôi hồi đó, tôi đã rút được kinh nghiệm rằng, dù mình là ai thì cũng không được coi thường người khác, phải luôn tôn trọng họ và biết cách khai thác điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của họ, có vậy mới được người khác tôn trọng và chân thành lại”, anh Bách chia sẻ.
Câu chuyện anh Bách kể có lẽ sẽ gây ngạc nhiên với những người làm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi mà sếp của họ phải là một người hội tụ đầy đủ các tố chất của một vị lãnh đạo tốt, từ tài tới tâm. Song thực tế tại không ít công ty nhỏ và doanh nghiệp tư nhân hay các cửa hàng, quán ăn, nhân viên phải ngày ngày đối mặt với những vị giám đốc hay ông chủ không “đủ chuẩn” như thế.
Chị Bích, nhân viên văn phòng cho một công ty về hóa chất ở quận Hoàng Mai còn cho hay, công ty chị là công ty gia đình nên có tới hai sếp là sếp ông và sếp bà. Vì không khéo léo cư xử nên hầu hết những mâu thuẫn của vợ chồng giám đốc này từ chuyện gia đình tới công việc nhân viên đều biết hết qua cách họ “đối chát” nhau ở công ty. Dần dần nhân viên không còn sự tôn trọng sếp.
Bên cạnh đó, sếp bà còn có tính khoe khoang và hay đưa ra những đòi hỏi quá vô lý với nhân viên như hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian siêu tốc, thậm chí còn sai nhân viên theo dõi sếp ông…
Còn vô vàn những điểm chưa chuẩn ở sếp mà có những người mãi sau này mới kịp nhận ra.
Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân đúc đồng Tân Tiến, ông Dương Bá Tân, kể, ông vốn xuất thân từ thợ đúc đồng rồi sau mới mở công ty, nên tính tình không được “mềm” cho lắm.
“Nói thẳng ra là tính tôi rất nóng, trước đây gặp cái gì không vừa mắt trong công việc là quát tháo om sòm, đổ tội hết cho nhân viên. Chính vì thế công nhân nghe tôi răm rắp, song nhiều người không ở được với tôi lâu. Sau này bạn bè góp ý, cộng với hậu quả nhãn tiền trước mắt do thói nóng tính của tôi mang lại, tôi đã dần dần kiềm chế được bản thân. Có lần một tay thợ lành nghề mà tôi rất tin tưởng đúc một pho tượng không giống ý tôi, mọi người cứ nghĩ tôi sẽ làm ầm lên, quát mắng anh ta. Nhưng tôi chỉ gọi anh ta vào phòng và nói rằng rất buồn về việc này, đồng thời phân tích để anh ta thấy sự nhầm lẫn ở đây. Sự thay đổi này của tôi đã khiến mọi nhân viên "mắt tròn, mắt dẹt" vì ngạc nhiên, nhưng tôi biết trong đó là cả sự nể phục”, anh Tân kể vui.
Để nhận biết một vị sếp "tồi" không hề khó. Theo một giảng viên chuyên giảng dạy tại Công ty đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp Proskills (Hà Nội), việc một vị sếp cái gì cũng giỏi, cái gì cũng nhất nhưng lại không thu phục được lòng nhân viên hay thậm chí rất ít khi nói lời cảm ơn hay khen ngợi nhân viên, cũng có thể là một vị sếp "tồi". “Con người vốn tinh lắm, ai cũng có thể cảm nhận được sếp của họ có thật lòng hay không chỉ qua vài lần tiếp xúc”, vị này nói.

Theo Báo Đất Việt

 

Bình luận (0)