Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi sinh viên… “review” thầy cô

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, các trường CĐ, ĐH đều triển khai dạy và học theo hình thức học tập tín chỉ. Hình thức này được giới chuyên môn đánh giá là mang đến nhiều lợi ích tích cực, mà việc tăng cao quyền lợi của người học là một trong số đó. Sinh viên có thể chủ động đăng ký học phần theo kế hoạch học tập của bản thân. Chẳng hạn, các em có thể lựa chọn khung thời gian học (buổi sáng, buổi chiều, buổi tối), địa điểm học (ở các cơ sở khác nhau của trường), và cũng có thể chọn giảng viên giảng dạy học phần phù hợp theo cảm nhận cá nhân. Thế nên, xuất hiện tình trạng sinh viên lên các diễn đàn mạng xã hội để hỏi thăm các anh chị khóa trên thông tin về học phần, cũng như những đánh giá về giảng viên. Sẽ không có gì đáng nói nếu những thông tin này được cung cấp với mục đích tốt và được chuyển tải bằng các câu từ đúng mực, phù hợp với chủ nhân của lời nói (là sinh viên).

Không khó để nhận thấy nhu cầu của người hỏi xung quanh vấn đề thầy A., cô B. dạy dễ hay khó tính, giảng bài buồn ngủ hay cuốn hút, có điểm danh chặt chẽ không, có dễ qua môn không, thầy cô có cho chép bài trên mạng không… Trả lời cho những câu hỏi này là sự hồi đáp của các sinh viên đã từng học qua với những lời bình luận đầy đủ sắc thái biểu cảm. Trong số đó, không ít những lời bình luận khiến người đọc phải giật mình vì sự khiếm nhã, không thể tin tác giả của những câu chữ này là của sinh viên. Cụ thể, sinh viên bình luận từ cách đi đứng, nói năng của giảng viên; nặng lời thành kiến kỳ thị giọng nói vùng miền; cố ý chê bai những đặc điểm thuộc về hình thể, hình dáng cá nhân bên ngoài; hoặc đưa ra những ý kiến phán xét phiến diện, một chiều; thậm chí đưa ra những thông tin tiêu cực không có sự kiểm chứng. Điều đáng nói là các bài viết kiểu này lại rất thu hút người đọc và bình luận. Giảng viên như thể… “món hàng” được bình phẩm đến từng chi tiết.

Việc sinh viên đánh giá giảng viên là hoàn toàn bình thường và tất yếu trong một quy trình dạy và học. Sự phản hồi của sinh viên về giảng viên vừa là một trong số những thước đo chất lượng giảng dạy của chính giảng viên đó nói riêng, của nhà trường nói chung, và vừa là thông tin quý báu giúp giảng viên kịp thời điều chỉnh cách dạy phù hợp, nâng cao năng lực sư phạm chuyên môn và hiệu quả đào tạo. Tuy vậy, sinh viên cần có nhận thức đúng đắn để lựa chọn kênh thông tin phản hồi phù hợp, cũng như cần có ý thức trách nhiệm về các phát ngôn của bản thân sao cho lành mạnh, lịch sự và tích cực, không chủ ý xuyên tạc, làm méo mó thông tin.

Công bằng mà nói, một phần vì thiếu không gian phản hồi nên sinh viên đã và đang “tràn” lên mạng xã hội để bình luận về giảng viên và nhà trường như hiện nay. Thế nên, nhà trường nói chung và giảng viên nói riêng rất cần chủ động xây dựng những kênh thông tin để sinh viên có thể phản hồi nguyện vọng, tâm tư trong quá trình học tập. Sau khi tiếp nhận các phản hồi, cần phân loại thông tin, giải thích các thông tin mà sinh viên hiểu sai lệch và kịp thời điều chỉnh nếu các vấn đề sinh viên nêu ra là đúng. Một môi trường giảng đường tích cực, cần sự đồng lòng từ hai phía.

Đơn Thun

 

Bình luận (0)