Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường, trong đó người dạy và người học là hai nhân tố quyết định (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm

Trong thời gian qua nhiều trường ĐH công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi của trường mình rất cao, điều này liệu đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục ĐH của nước ta hiện nay?

Thành tích và chất lượng
Những năm gần đây giáo dục ĐH của nước ta đang mở rộng tạo cơ hội học tập, nghiên cứu cho mọi người. Số lượng và hình thức đào tạo của các trường ĐH tăng lên theo từng năm học. Nguồn nhân lực mà nền giáo dục ĐH mang lại không nhỏ, có sự đóng góp khá lớn cho sự phát triển của đất nước. Mỗi năm xã hội đón nhận hàng chục ngàn cử nhân, kĩ sư… tốt nghiệp từ các trường ĐH với kết quả tốt nghiệp và bảng điểm rất đẹp. Trong số này có nhiều sinh viên năng lực tương xứng với kết quả học tập của họ, nhưng cũng có không ít trường hợp kết quả rất cao nhưng hiệu quả làm việc thấp. Chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn sự mâu thuẫn này không nhỏ.
Vậy nguyên nhân này ở đâu? Các trường tự hào báo cáo với các cơ quan chức năng, giới truyền thông về sản phẩm của họ qua tỷ lệ tốt nghiệp mấy chục phần trăm khá, giỏi, nhưng đã bao giờ họ tìm hiểu, lắng nghe phản biện của các cơ quan, đơn vị về chất lượng “sản phẩm” do trường mình đào tạo ra? Một thực trạng đang diễn ra là các tân kĩ sư, cử nhân ra trường phải tìm cho được công việc tương xứng với tấm bằng, ngoài ra còn có sự đòi hỏi về tiền công, vị trí công tác mà không tự nhìn nhận trình độ, khả năng của chính mình. Điều này cho thấy sự bất cập giữa kết quả tốt nghiệp và chất lượng làm việc, phải chăng đây là sự hạn chế của nền giáo dục ĐH cho số đông của nước ta hiện nay?
Đề cao trách nhiệm của nhà trường
Sự tồn tại và phát triển của một nhà trường không chỉ dựa vào quy mô, tỷ lệ tốt nghiệp mà điều quan trọng hơn cả là “sản phẩm” của mình được xã hội thừa nhận thế nào. Các trường cần tự đánh giá nghiêm túc về trách nhiệm của đơn vị mình. Phải thấy rõ nhiệm vụ, trọng trách về công tác đào tạo đội ngũ trí thức, đội ngũ lao động có tay nghề cao cho xã hội, là nơi trang bị cho người học trở thành những người công dân tốt, phải dám nhận trách nhiệm về “sản phẩm” do đơn vị mình tạo ra. Muốn vậy các trường cần mạnh dạn nhìn thẳng vào khâu yếu, mặt yếu để từ đó có sự điều chỉnh về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất đảm bảo… hơn là theo đuổi những chỉ số về thành tích.
Thiết nghĩ, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên ra trường, trong đó người dạy và người học là hai nhân tố có tính quyết định, do vậy cần phải nhận được sự quan tâm hàng đầu. Giảng viên phải thật sự là người truyền thụ kiến thức, hình thành ở người học động cơ, thái độ, kĩ năng nghề nghiệp, phẩm chất nhân cách cần thiết, dạy thực chất, đánh giá thực chất không vì thành tích, không để các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó sinh viên cần tích cực chủ động, sáng tạo trong lĩnh hội kiến thức, tự hình thành kĩ năng nghề nghiệp cho bản thân có như vậy những kết quả của sinh viên nhận được mới trở nên đúng nghĩa.
Đậu Tân
(Giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)