Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi sự học không là sự tự nguyện

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2006, tỉnh Khánh Hòa đề ra chương trình hành động, đầu tư nhiều kinh phí, nhân lực cho phổ cập giáo dục (PCGD). Nhưng  kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, chỉ có 53 học sinh trong số 714 học sinh PCGD dự thi đủ điểm tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 7,42 phần trăm.
Năm học 2008 – 2009, Sở GD&ĐT Khánh Hòa không tổ chức lớp PCGD rải rác ở thôn, xã nữa, học sinh PCGD được học tập trung ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường THPT, THCS. Giải pháp này nhằm giúp học sinh PCGD chuyên chú học hành, đạt kết quả cao hơn.
Tuy nhiên, trong số 589 học sinh PCGD Khánh Hòa dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009, chỉ có 22 học sinh được công nhận tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 3,73 phần trăm, trong đó bảy cơ sở không có học sinh PCGD nào tốt nghiệp. Còn tệ hơn kết quả năm 2008!
Đầu tháng Bảy, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi chỉ đạo họp bàn cách nâng cao chất lượng, hiệu quả PCGD. Năm học tới, tại các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, sẽ mở lại các trường cấp 1 – 2; ở một số trường THCS xa trung tâm sẽ có lớp nhô bậc THPT; học sinh PCGD có thể học tại các lớp bổ túc ban ngày, được mở trong trường phổ thông… Tinh thần chung của giải pháp là sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy và giáo viên của trường phổ thông để thực hiện chương trình PCGD, người học PCGD được học ở nơi có không khí học tập hơn.
Giải pháp là vậy, nhưng hiệu quả đến đâu, chưa ai dám nói trước. Phần lớn học sinh PCGD là lao động chính trong gia đình, ít có điều kiện đi học ban ngày.
Hơn nữa, các em bị hổng kiến thức do nghỉ học lâu, khả năng tiếp thu hạn chế. Một số cán bộ tự an ủi, có thể các em không tốt nghiệp được, nhưng cũng tiếp thu được lượng kiến thức nhất định sau những buổi học.
Tuy nhiên, một giáo viên PCGD kể, thường đầu buổi học, khi cán bộ xã đi điểm danh, lớp tương đối đủ học sinh. Cán bộ vừa về, nhiều học sinh liền ra khỏi lớp. Chưa lấy xe về được vì cổng trường bị khóa, các em đùa nghịch trong sân trường, trêu chọc học sinh đang ngồi trong lớp. Cuối năm học, có những học sinh mang trả lại bộ sách giáo khoa, vẫn chằng buộc y nguyên như khi được mượn đầu năm học. “Chúng nó có chịu học đâu mà có thêm kiến thức”, giáo viên này nói.
Học sinh PCGD đến lớp thiếu tính tự nguyện, kiến thức mở mang không đáng kể. Đó là tình trạng không phải ở riêng Khánh Hòa. Tại tỉnh Phú Yên kế bên, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi cũng có chưa tới bốn phần trăm học sinh PCGD đủ điểm tốt nghiệp.
Đã có lãng phí lớn, khi hàng năm nhà nước đầu tư nhiều trăm tỉ đồng cho công tác PCGD, nhưng hiệu quả không được bao nhiêu. Nhìn nhận thực trạng này, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh Hòa, khẳng định, từ năm học tới, tỉnh sẽ chỉ mở lớp PCGD cho người thực sự có nhu cầu học. Số học sinh PCGD sẽ ít đi, nhưng chất lượng sẽ cao hơn.
Nếu thấy số học sinh PCGD tại Khánh Hòa giảm mạnh, Bộ GD-ĐT có đánh giá thành tích PCGD của tỉnh này là kém cỏi không? Các nơi khác có dám làm như Khánh Hòa không?
Nguyễn Đình Quân (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)