Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi tác phẩm văn học lan tỏa qua trình diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh sách in truyền thống, tác phẩm văn học đã và đang được lan tỏa bằng nhiều hình thức: thi nhạc, kịch đọc, vodcast, podcast, sân khấu hóa… Dù chưa tiếp cận công chúng rộng rãi, đó vẫn là những phương thức sáng tạo cho văn chương thời đại số.

Những lối đi riêng

Lần đầu tiên công chúng yêu văn học được thưởng thức tác phẩm theo một hình thức mới: kịch đọc. Đây là loại hình biểu diễn văn chương đã phổ biến tại Pháp, được đạo diễn Việt Linh mang về thực hiện tại Việt Nam. Chương trình đầu tiên là kịch đọc Thiên Thiên (dựa theo truyện ngắn Hạnh phúc là cùng của tác giả Vũ Hồi Nguyên và Xoa của tác giả Tăng Song Nam), với sự tham gia đọc – diễn của các nghệ sĩ Lê Chi Na, Đinh Mạnh Phúc, Võ Minh Lâm…

Đạo diễn Việt Linh (cầm micro) cùng ê kíp diễn viên sân khấu Hồng Hạc giao lưu  với khán thính giả sau chương trình kịch đọc Thiên Thiên

Đạo diễn Việt Linh (cầm micro) cùng ê kíp diễn viên sân khấu Hồng Hạc giao lưu với khán thính giả sau chương trình kịch đọc Thiên Thiên

Thiên Thiên từng được đạo diễn Việt Linh dựng kịch vào năm 2014, nay trở lại dưới hình thức mới. Các tác phẩm dự kiến được diễn đọc tiếp theo: Nếu anh còn được sống (Văn Lê), Visa (Hải Miên)… Không gian ấm cúng dành cho những đêm kịch đọc ở cà phê La Rotonde (185B Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM), đủ cho khoảng trên dưới 50 khách. Khán giả vừa thưởng thức cà phê vừa nghe những câu chuyện hay, nhiều cảm xúc qua giọng đọc trực tiếp của các diễn viên. Dù không xuất hiện, các nghệ sĩ sân khấu đều đã truyền cảm xúc đến người nghe qua những hóa thân chân thực, cảm động. Và như thế, tác phẩm văn học đến với công chúng bằng nhiều cảm xúc đa chiều, lắng đọng.

Lâu nay, văn chương được trình diễn trong một cộng đồng nhỏ, ở những quán cà phê hay phòng trà thường là thơ kết hợp cùng âm nhạc. Đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết là điều chưa từng có tiền lệ. Các thể loại này chủ yếu phổ biến đến bạn đọc thông qua hình thức kịch truyền thanh, các chương trình đọc truyện đêm khuya, audio books, podcast… Trong thời đại văn hóa nghe nhìn lấn át, cùng với sự đa dạng của các nền tảng, văn chương cũng không đứng ngoài cuộc, im lìm chờ “hữu xạ tự nhiên hương” như trước. Những người cầm bút cũng đã và đang cùng góp sức lan tỏa tác phẩm theo nhiều cách thức riêng.

Ngày 16/6 tới, nhà thơ Phạm Phương Lan – Phó ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM – cùng nhóm bạn (là các nhà thơ, nhạc sĩ) sẽ ra mắt số đầu tiên của chương trình thi – nhạc, với phần trình diễn thơ được ghi hình và phát trên các nền tảng mạng xã hội. Dự án được phát triển từ những chương trình thơ – nhạc ngẫu hứng mà nhóm từng tổ chức trong cộng đồng nhỏ những người yêu thi ca. “Ban đầu, chúng tôi mong muốn thực hiện được những chương trình sân khấu, biểu diễn trực tiếp, nhưng gặp khó khăn về kinh phí, địa điểm tổ chức nên quyết định chuyển sang hình thức thu, phát online. Không chỉ trình diễn tác phẩm của mình, chúng tôi cũng sẽ tuyển chọn, thể hiện tác phẩm hay của các tác giả khác” – nhà thơ Phạm Phương Lan chia sẻ.
Podcast hay vodcast (video podcast) cũng là phương thức phổ biến được cộng đồng yêu văn chương sử dụng và tìm kiếm trên các nền tảng hiện nay. Một số kênh podcast về văn học nổi bật được cộng đồng yêu thích, đón nhận lâu nay có thể kể đến: Trạm Radio, Góc nhỏ văn thơ, Viết chữa lành…

Thừa sáng tạo, thiếu kinh phí

Tuy có được buổi ra mắt thành công và ấm cúng, đạo diễn Việt Linh vẫn không khỏi lo lắng cho đường dài của kịch đọc dù kinh phí đầu tư cho 1 đêm kịch đọc không phải là quá nhiều. Chị nói “nước đến đâu, bắc cầu đến đó”. Cũng vì thiếu tài trợ mà dự án thi – nhạc biểu diễn trực tiếp định kỳ của nhà thơ Phạm Phương Lan tạm thời bỏ ngỏ. Xét cho cùng, nhà tài trợ cho các chương trình văn chương gần như không có lợi gì, ngoài việc họ có lòng chia sẻ và góp phần lan tỏa tác phẩm đến công chúng.

Còn hôm nay, ta còn mãi mãi là chương trình kết hợp nghệ thuật sắp đặt  và trình diễn ấn tượng dành cho thi ca

Còn hôm nay, ta còn mãi mãi là chương trình kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ấn tượng dành cho thi ca

Lâu nay, hầu hết các chương trình sân khấu lớn tổ chức cho thi ca nói riêng và văn chương nói chung đều thuộc các ngày lễ lớn, những dịp kỷ niệm thường niên. Nếu có các chương trình sân khấu hóa, tổ chức theo hình thức biểu diễn (tiểu phẩm, hoạt cảnh, minh họa) cũng chủ yếu là cây nhà lá vườn hoặc trong khuôn khổ các hoạt động học đường. Một trong những chương trình cho thi ca từng được đầu tư hoành tráng có thể kể đến là Còn hôm nay, ta còn mãi mãi (nằm trong dự án định kỳ thường niên của một doanh nghiệp, tổ chức theo các chủ đề về văn học – nghệ thuật). Văn chương kết hợp với nghệ thuật trình diễn vừa gây ấn tượng lại vừa tôn vinh những giá trị chiều sâu.

Người viết đông đảo, tác phẩm hay cũng không ít và có rất nhiều cách thức/phương thức lan tỏa. Nhưng có được nguồn tài trợ để tổ chức được những chương trình hấp dẫn cho văn chương luôn là vấn đề khó khăn với những người thực hiện. Bên cạnh đó còn là cuộc “cạnh tranh sáng tạo” về chất lượng nội dung, nhất là khi phát trên các nền tảng mạng xã hội. “Thời đại số có những ưu – nhược riêng: có rất nhiều kênh để người cầm bút quảng bá tác phẩm, nhưng công chúng cũng có quá nhiều lựa chọn giải trí. Vì thế, đưa văn chương vào sản phẩm nghe nhìn cần phải được đầu tư công phu, chất lượng thì mới mong thu hút được người xem” – nhà thơ Phạm Phương Lan nói thêm.

Chia sẻ, lan tỏa và tiếp nhận tác phẩm đều là nhu cầu tinh thần của người viết và bạn đọc. Văn chương vốn trầm lắng và rất dễ chìm khuất trong thời đại của văn hóa nghe nhìn. Lan tỏa tác phẩm bằng trình diễn, với nhiều phương thức cũng là một cách đến với bạn đọc trong thời đại số. Dù không dễ tiếp cận được với công chúng rộng rãi, đó vẫn là những lối đi giàu cảm xúc cho những người yêu văn chương có thể tìm thấy sự đồng điệu.

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)