Thí sinh của cuộc thi Sứ giả học đường. Thay vì có những hoạt động bổ trợ kiến thức, các sân chơi teen toàn hướng đến sắc vóc |
Nhiều sân chơi dành cho tuổi teen hiện nay không hướng đến việc học tập mà thiên về mục đích thương mại
Tuổi teen là độ tuổi đang đến trường, chưa làm ra tiền nhưng là đối tượng mua sắm cao nhất hiện nay, nhất là các mặt hàng xa xỉ. Ngoài những chiêu thức tiếp thị nhắm vào đối tượng khách hàng hấp dẫn này, hàng chục sân chơi dành cho giới tuổi teen được mở ra nhằm thu hút mạnh hơn đối tượng khách hàng này của các nhà tài trợ.
“Hoa hậu trẻ con”
Nếu những cuộc thi sắc đẹp dành cho các cô gái ở tuổi trưởng thành ngày càng bị hạn chế thì gần đây, các cuộc thi sắc đẹp dành cho các nữ sinh còn đang cắp sách đến trường (từ 16 đến 19 tuổi) thi nhau tổ chức rầm rộ.
Dù không chính thức gọi tên hoa hậu tuổi teen nhưng các cuộc thi thiên về nhan sắc, như: Ngôi sao tuổi teen (Miss Teen – tiền thân là cuộc thi Miss Audition) với vòng chung kết diễn ra từ ngày 21-9 đến 4-10, Sứ giả học đường-Mr&Miss Teen 2009, Hot Vteen, Bộ đôi năng động Oxy & Acnes,… đều có chung mục đích tìm ra những gương mặt xinh đẹp là chính.
Về quy mô tổ chức, các cuộc thi dành cho teen không thua kém gì các cuộc thi hoa hậu thường thấy từ trước đến nay: Tuyển chọn kéo dài nhiều ngày trên phạm vi cả nước; với hàng loạt nội dung thi, từ hình thể, kiến thức đến năng khiếu: diễn xuất, âm nhạc, hội họa… và có cả một hội đồng giám khảo sát hạch hẳn hoi.
Nếu các cuộc thi sắc đẹp dành cho teen bắt đầu tạo sự chú ý thì các cuộc thi ca hát dành cho tuổi teen lại trở nên quá đỗi quen thuộc với khán giả, từ một – hai năm nay. Các cuộc thi tìm kiếm ca sĩ tương lai, như: Tuổi đời mênh mông, Tiếng ca học đường, K4Teen – Không thử sao biết, Nốt nhạc ngôi sao,… từ lâu đã trở thành mục tiêu chinh phục của rất nhiều bạn trẻ tuổi teen tự tin với khả năng ca hát của mình.
Những bạn trẻ yêu thích nhảy đã có sân chơi Bước nhảy xì tin, dành cho các nhóm nhảy không chuyên tuổi từ 13 đến 22, thể hiện khả năng vũ đạo của mình. Mỗi năm, cuộc thi này cũng thu hút hơn 100 nhóm dự thi trên cả nước.
Ảo tưởng
Ở tuổi “chưa đủ bản lĩnh để sàng lọc, tiếp thu những điều tích cực cho bản thân” như nhận định của nhiều nhà tâm lý, nhiều bạn trẻ tuổi teen đặt kỳ vọng vào sự tôn vinh, vốn chỉ mang ý nghĩa khích lệ tương đối, như mục tiêu săn đuổi duy nhất của cuộc đời mình mà quên mất mọi vinh quang đích thực đều phải bắt nguồn từ nền tảng đào tạo bài bản. |
Với mức giải thưởng đưa ra cao ngất ngưởng các sân chơi dành cho đối tượng tuổi teen đang có một hấp lực đặc biệt. Không ít thí sinh có suy nghĩ rằng những gì họ đạt được ở những sân chơi này cũng có giá trị tương đương với những cuộc tranh tài của người lớn, dù thực chất, sự tôn vinh này chỉ có giá trị khích lệ tương đối.
Nhất là khi những người chiến thắng trong các cuộc thi này nhanh chóng được giới truyền thông (phần lớn là các báo điện tử, website) tung hê với biệt danh “hot boy”, “hot girl”. Điều đó khiến nhiều bạn trẻ mắc bệnh ảo tưởng, họ tin rằng mình đã có đủ năng lực để bước chân vào thị trường giải trí Việt, mặc dù chỉ với chút vốn năng khiếu ít ỏi.
“Hào quang” từ các cuộc thi sắc đẹp cũng dễ khiến cho tuổi teen bị ảo tưởng khi người đoạt giải cao nhất sẽ đảm trách công việc đại sứ quảng cáo cho một thương hiệu hay đại sứ học đường với các hoạt động từ thiện như lời ban tổ chức vẽ nên.
Liệu có thời gian để cho các miss teen vừa học tốt ở trường vừa tham gia các hoạt động của nhà tổ chức, nhà tài trợ với vai trò cái gọi là “đại sứ” gì đó? Trong khi ở độ tuổi này, các em cần được hướng vào việc học, chuẩn bị cho tương lai xa hơn.
Hiểu sai, hành xử ngớ ngẩn Để giữ vững vị thế “hot boy”, “hot girl”, nhiều bạn trẻ tìm mọi cách để đánh bóng bản thân, thậm chí tạo xì-căng-đan bằng cách tung lên mạng những bộ ảnh mát mẻ, những video clip sex mang tính chất riêng tư. Hằng ngày, trên các diễn đàn, website xuất hiện tràn ngập những hình ảnh ngớ ngẩn với những hành động không giống ai và được gắn mác “hot girl”, kiểu như ngắm “hot girl” X, Y, Z phơi mình trước biển,… Các “hot boy”, “hot girl” ngây thơ khoe “mình” với mức độ càng khiêu gợi càng gây nóng. Thực ra, “hot boy”, “hot girl” là những cụm từ được dành tặng cho những cô cậu tuổi teen có tài, nổi tiếng trong cộng đồng mạng với những thành tích nổi bật trong học tập, cũng như các hoạt động thiện nguyện,… Do hiểu không đúng về “hot boy”, “hot girl” nên các bạn trẻ ở Việt Nam đã phát triển ý nghĩa những cụm từ này theo hướng tiêu cực. |
Bài và ảnh: Thùy Trang (Theo NLĐ)
Bình luận (0)