Trung Quốc đang gặp phải trường hợp sinh viên ra trường với tấm bằng cử nhân, thạc sĩ không kiếm được việc làm theo đúng trình độ, chuyên môn của họ.
Trung Quốc đào tạo hàng triệu cử nhân mỗi năm nhưng thị trường lao động không đáp ứng kịp, khiến nhiều người thất nghiệp hoặc phải làm việc bình thường. REUTERS
Gần đây, nhà sản xuất thuốc lá China Tobacco ở tỉnh Hà Nam đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi khi 1/3 trong số 135 công nhân mới được tuyển vào công ty có bằng thạc sĩ, trong khi số còn lại đều là sinh viên chưa tốt nghiệp, một vài người đến từ các trường đại học có tiếng của Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Chỉ vài tháng trước, một trường tư thục cũng được chú ý vì những lý do tương tự – tất cả giáo viên mới được tuyển dụng cho trường tiểu học thuộc Trường Ngoại ngữ Nam Sơn Thâm Quyến đều tốt nghiệp thạc sĩ từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước, bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Đại học Columbia (Mỹ).
Những câu chuyện này đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong công chúng trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh gay gắt khi Trung Quốc đào tạo ra ngày càng nhiều cử nhân mỗi năm.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, mùa hè này sẽ có 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, mức cao kỷ lục và tăng khoảng 500.000 người so với năm 2020. Ngoài ra, có hơn 54% dân số Trung Quốc đang ở trong độ tuổi học đại học từ 18 đến 22, trong khi tỷ lệ này chỉ là 15% vào năm 2002.
Theo chuyên gia nhân sự Jennifer Feng của một công ty tuyển dụng hàng đầu Trung Quốc, điều này có nghĩa Trung Quốc đã bước vào thời kỳ phổ cập giáo dục đại học, đi đâu cũng có cử nhân. Bà Feng cũng cho rằng việc sở hữu một tấm bằng cử nhân giờ giống như ngưỡng đầu vào để đi tìm việc, phản ánh giá trị giáo dục của họ đã bị giảm xuống.
“Nhiều nhà tuyển dụng đã chia sẻ rằng ban đầu họ muốn thuê một số sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng hóa ra lại có nhiều cử nhân đã nộp đơn”, bà Feng nói.
Thị trường lao động Trung Quốc đang thiếu hụt việc làm cho số lượng cử nhân ngày càng đông. SHUTTERSTOCK
Anh Lưu Hạo Thiên, cử nhân ngành tài chính tại Đại học Tài chính Thượng Hải năm 2019, thừa nhận rằng anh đã phải hạ thấp kỳ vọng của mình sau một năm tìm việc không thành công. “Những gì tôi nhắm đến ban đầu là các tổ chức tài chính, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng mình không thể cạnh tranh cho các vị trí ở những nơi đó. Các đối thủ đều đến từ các trường đại học nổi tiếng hoặc có bằng cấp cao hơn”, anh nói.
Vào đầu năm nay, cuối cùng anh cũng đã tìm được việc trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Tuy nhiên, anh bày tỏ sự thất vọng với nghề này bởi công việc của anh chỉ liên quan đến bán và cho thuê nhà. Trong những năm gần đây, anh Lưu không phải là cử nhân duy nhất gia nhập ngành bất động sản, ngành nghề được cho là có ngưỡng tuyển dụng thấp và mang tiếng xấu về thông tin giả mạo và các khoản phí tùy tiện. Theo một báo cáo công bố gần đây, có hơn 60% nhân viên kinh doanh bất động sản ở Bắc Kinh và Thượng Hải có bằng cử nhân.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, Hùng Bính Kỳ cho biết số lượng sinh viên tốt nghiệp không phải là vấn đề, vấn đề ở chỗ nước này thiếu việc làm từ ngành dịch vụ, vốn là lĩnh vực thu hút nhiều nhân lực nhất.
Ông cho rằng việc một cử nhân làm một công việc mà trước đây chỉ cần một người mới học hết cấp ba đảm nhiệm có được coi là lãng phí hay không phụ thuộc vào giá trị của người lao động đó tạo ra. Nếu họ có thể cải thiện dịch vụ và tạo ra những thay đổi mới, thì đó không hẳn là lãng phí. Thay vào đó, nó sẽ giúp nâng cấp ngành này và tạo ra nhiều việc làm phù hợp hơn cho những cử nhân trong tương lai.
Theo Hạ Thái/TNO
Bình luận (0)