Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi tiktoker lấn sân ca hát

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, nhiều tiktoker có lượt theo dõi “khủng” lần lượt ra mắt sản phẩm âm nhạc, lấn sân ca hát, tạo ra dư luận trái chiều.

Hàng loạt tiktoker triệu view, vốn mạnh ở các thể loại phim hài ngắn, nhảy hiện đại… như Ngô Đình Nam, CiiN, Mỹ Mỹ, Choco Trúc Phương, Luke D, Long Chun… đã đồng loạt giới thiệu những sản phẩm âm nhạc.

Hầu hết là các ca khúc có tiết tấu bắt tai của âm nhạc điện tử, hoặc dòng nhạc ballad nhẹ nhàng. Trong khi ballad tương đối dễ hát, thì nhạc điện tử lại che khuyết điểm trong giọng hát, hoặc dễ tạo ra các trào lưu trên mạng xã hội.

Ngô Đình Nam và CiiN trong MV Where you go

Ngô Đình Nam và CiiN trong MV Where you go

Nhìn chung, các sản phẩm này ở mức chấp nhận được, chưa đặc sắc. Hầu hết đều có lượt xem khá khiêm tốn trên YouTube, nhưng nhờ lượng người theo dõi đông đảo trên TikTok, các sản phẩm này lại được lan tỏa mạnh mẽ. Không dừng lại ở MV, họ còn tạo ra các thử thách: Cover ca khúc, nhảy múa, hoặc tổ chức talk show với người nổi tiếng. Mỗi video như thế thu hút hàng trăm ngàn đến triệu lượt xem.

Nhiều ý kiến trái chiều quanh việc các tiktoker lấn sân nghệ thuật, mà gần đây là lĩnh vực âm nhạc. Một phần do khán giả có định kiến với nhóm này, cho rằng họ chỉ dựa vào lượng người theo dõi đông đảo, sự ảnh hưởng của mạng xã hội để tiến thân chứ không có năng lực thực sự.

Choco Trúc Phương trong MV Người yêu không đá

Choco Trúc Phương trong MV Người yêu không đá

Thực tế cho thấy làng nhạc Việt Nam đang thời “mở cửa”. Không riêng tiktoker, mà nhiều gương mặt trẻ cũng có cơ hội tiếp cận khán giả nhờ việc sản xuất đơn giản, phương thức phát hành dễ dàng… Và đã có không ít người thành công.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ: “Cơ hội phô diễn năng lực, khả năng đang chia đều cho mọi đối tượng. Lượng thông tin, sản phẩm xuất hiện trên thị trường giải trí rất nhiều. Cơ hội tiếp cận với khán giả có khi chỉ là vài giây. Vì thế, có thể sản phẩm chất lượng nghệ thuật ít hơn. Nhưng ai nắm bắt được cơ hội thì sẽ bật lên được. Đó là sự vận hành tất yếu”.

Văn hóa thưởng thức âm nhạc của khán giả đã thay đổi. Đặc biệt từ sau đại dịch, môi trường số ngày càng chi phối mạnh mẽ. Nhạc sĩ – nhà sản xuất âm nhạc Dương Trường Giang nói: “Thực tế, trên thế giới đã có mảng thị trường riêng dành cho những ngôi sao âm nhạc mạng. Họ có thể xuất hiện trực tiếp, hoặc tạo ra những hình mẫu ảo đại diện cho mình. Khi có nhu cầu, ắt sẽ có nguồn cung.

Tuy nhiên, khán giả không thể nghe trực tuyến mãi. Giữa bản thu và biểu diễn trực tiếp khác nhau nhiều. Các ngôi sao mạng có thể bị quay lưng nếu hát yếu, thiếu năng lực”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, điều quan trọng là sự nổi tiếng, thu hút này sẽ mang tính thời điểm hay có thể kéo dài. Phương tiện, cách phát hành nội dung sẽ vận động, thay đổi không ngừng. Thời điểm này, có thể một nền tảng nào đó chi phối, có sức ảnh hưởng mạnh, nhưng trong tương lai có thể là nền tảng khác. Vì thế, muốn tồn tại dài lâu thì chắc chắn phải có lộ trình rõ ràng, chú tâm vào chất lượng.

“Thời gian sẽ là thước đo chính xác nhất cho tài năng thực thụ”, anh nói. Thực tế, đã có một số tiktoker như: Otis, ChuChu… từng gây chú ý thời gian đầu khi lấn sân ca hát, nhưng về sau mất hút vì không có sản phẩm thu hút.

Hiểu được con đường dài khó khăn phía trước, tiktoker Mỹ Mỹ chia sẻ: “Tôi đã dành hơn một năm để học thanh nhạc, vũ đạo để có thể tự tin khi bước vào con đường ca hát. Để chuyên nghiệp như các đàn anh đàn chị, tôi cần phải cố gắng rất nhiều. Dẫu còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn”. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)