Yêu Huế và tình nguyện gắn bó với mảnh đất này, hơn nửa thế kỷ qua, bà Andrea Teufel, Trưởng đại diện Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức và bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á – Nhật Bản đã lặng thầm đồng hành, góp sức cho Huế ngày một đẹp hơn!
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên – Huế” cho bà Andrea Teufel (thứ 2 từ phải sang) và bà Kazuyo Watanabe
Dành trọn tình yêu lớn cho di sản Huế
Hơn 20 năm trước, bà Andrea Teufel đến Huế tham gia dự án bảo tồn, phục hồi tranh tường ở Khải Tường Lâu, cung An Định (TP.Huế). Khi ấy, bà là thạc sĩ phục chế Trưởng đại diện Hội Bảo tồn di sản văn hóa. Còn nhớ những ngày đầu vừa đến Huế thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi tranh tưởng ở Khải Tường Lâu, bà Andrea Teufel tỉ mẫn thu thập từng mẫu sơn tường để gửi về phòng thí nghiệm, phân tích một cách thận trọng và tiến hành phục hồi từng bước một. Tròn 6 năm làm việc nghiêm túc và nhiệt huyết, bức tranh tường ở cung An Định được trả lại vẻ đẹp nguyên bản, trở thành điểm đến hấp dẫn cho đông đảo du khách mỗi lần đến cố đô.
Trong hành trình gắn bó với Huế, mới đây, bà Andrea Teufel đã tham gia vào dự án “Bảo tồn, trùng tu và giáo dục tại điện Phụng Tiên, Đại Nội (Huế), giai đoạn 2021-2026”. Nguyên bản điện Phụng Tiên đã được phục dựng ảo tổng thể kiến trúc nguyên bản. Triển lãm về kiến trúc này đã giúp du khách và người dân hiểu hơn về kiến trúc, đời sống tâm linh, góp phần nêu cao giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật thời kỳ nhà Nguyễn.
Bà Andrea Teufel có hơn 20 năm gắn bó với công việc trùng tu, tôn tạo di tích tại Huế
Là một trong 5 miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn, năm 1947, điện Phụng Tiên bị phá hủy. Vết tích còn lại chỉ là các cổng, hệ thống tường bao và bức bình phong sau ngôi miếu. Năm 2017, dự án khôi phục được tiến hành. Bố cục của ngôi điện dần được tái hiện thông qua hồ sơ lưu trữ. Suốt nhiều năm liền, bà Andrea Teufel và các cộng sự đã miệt mài làm việc. Bà Andrea Teufel bảo, phục dựng ảo công trình này là giải pháp tối ưu nhất, được cân nhắc lựa chọn. Điều này, giúp du khách và người dân có thể tìm hiểu, hình dung được trọn vẹn về ý nghĩa của điện Phụng Tiên, vừa có thể tiết kiệm nguồn kinh phí trùng tu trong khi nhiều di tích khác cần đầu tư tôn tạo. Sau khi hoàn thành việc phục hồi nguyên trạng hệ thống cổng chính và bình phong, bà Andrea Teufel cùng cộng sự tiếp tục các công việc phục hồi tường bao và các phần phụ khác.
Dành trọn vẹn tình yêu lớn cho di sản Huế, bà Andrea Teufel đã tham gia đào tạo khoảng 70 học viên, hình thành thế hệ kế cận cho việc trùng tu di sản tại Huế, xây dựng nguồn nhân lực cho công cuộc bảo tồn di sản lâu dài tại Việt Nam; tham gia tập huấn giáo dục di sản, nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản thông qua các khóa học thực tế cho sinh viên. “Tôi đến Huế năm 2003. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi thích kiến trúc, sắc màu, vật liệu độc đáo và kỹ thuật xây dựng của người xưa. Điều này thôi thúc tôi tìm tòi, khám phá và nỗ lực để phục dựng tốt hơn, trả lại yếu tố gốc cho các di tích ở Huế. Huế là một thành phố tuyệt vời và là một ví dụ điển hình về sự giao thoa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển bền vững. Việc này đòi hỏi phải có kiến thức, chiến lược rõ ràng, có năng lực và quyết tâm mới triển khai được. Huế có đầy đủ những yếu tố trên”, bà Andrea Teufel nói.
Người mẹ Nhật và trái tim nồng ấm yêu thương
Tròn 30 năm trước, bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á – Nhật Bản đến Huế nhằm hỗ trợ những trẻ em đường phố và giảng dạy tiếng Nhật tại ĐH Sư phạm (ĐH Huế). 10 năm sau đó, một bước ngoặt đã được bà quyết định sau một lần ghé thăm, chứng kiến những đứa trẻ không may mắc ung thư ở Bệnh viện Trung ương Huế. “Thương những đứa trẻ không may bệnh tật, năm 2005, tôi tự thành tổ chức phi chính phủ của riêng mình với tên gọi: Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á ACCL, nhằm hỗ trợ các trẻ em bị ung thư và gia đình của các em tại Việt Nam”, bà Watanabe nói.
Bà Kazuyo Watanabe đã giúp nhiều bệnh nhi ung thư tại Việt Nam có cơ hội sống
Ghi nhận những tâm huyết, cống hiến và sẻ chia đó, ngày 8-3-2024, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên – Huế” cho bà Andrea Teufel, Trưởng đại diện Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức và bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á – Nhật Bản. |
Hơn 11 năm nay, bà Kazuyo Watanabe đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hội nghị kiểm soát ung thư thường niên. Hội nghị thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này tham dự, chia sẻ kinh nghiệm. Để người bệnh có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, bà thường tìm cách hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng học bổng tham dự các lớp đào tạo trong và ngoài nước về lĩnh vực ung thư nhi.
Năm 2018, bà Kazuyo Watanabe đã vận động kinh phí hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế xây dựng tầng 5 tại Trung tâm Nhi khoa thành Khoa Nhi Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy, trang bị thiết bị hiện đại, đặc biệt là 2 phòng ghép tủy đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đã có 35 bệnh nhân được tiến hành ghép tế bào gốc thành công tại đây. Bên cạnh đó, bà đã hỗ trợ, cung cấp nhiều trang thiết bị y tế, thuốc, bữa ăn hàng ngày cho bệnh nhân nội trú của khoa này.
Bà Kazuyo Watanabe lần đầu đến với Bệnh viện Trung ương Huế hơn 20 năm trước, Trung tâm Ung bướu thuộc Khoa Nhi còn rất khiêm tốn, chỉ 10 bệnh nhân nội trú/ngày. Thời điểm ấy, ít trẻ em mắc ung thư được cứu chữa. Bây giờ, trung tâm này đã có không gian điều trị cho 100 bệnh nhân nội trú/ngày. Ngần ấy thời gian, cùng với sự hỗ trợ của bà, nhiều trẻ em mắc ung thư tưởng chừng hết hy vọng đã có cơ hội được cứu sống. “Trẻ em là tương lai của chúng ta, những nụ cười và sức khỏe của các em chính là nguồn động viên quý giá nhất”, bà Kazuyo Watanabe bộc bạch.
Nói về đóng góp thầm lặng của bà Andrea Teufel và bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, chính sự đóng góp đó đã góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà, tạo nên môi trường sống tốt đẹp hơn. Sự chung tay này không chỉ mang lại những cải thiện về vật chất mà còn tạo ra sự đoàn kết, hợp tác và hiểu biết văn hóa giữa các quốc gia, điều này góp phần làm cho tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày càng phát triển và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)