Tòa soạnThư đi – tin lại

Khi tội ác bộc phát dễ dàng

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Nguyễn Anh H. tại phiên tòa

Đi trên đường, chỉ một va quẹt nhỏ cũng khiến cho người ta nổi nóng dẫn đến cự cãi, xô xát nhau. Thống kê từ TAND TP.HCM cho thấy, mỗi năm con số hàng trăm vụ xét xử tội giết người hay cố ý gây thương tích xuất phát từ những va chạm vụn vặt trong cuộc sống khiến ai cũng phải giật mình.
Bộc phát tội ác từ mâu thuẫn nhỏ
TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử vụ Nguyễn Anh H. (SN 1979, Vĩnh Long) về tội “giết người”. Điều đáng nói, bi kịch của vụ án: kẻ chết, người lãnh án 10 năm tù giam và nỗi đau để lại cho ba đứa trẻ là con của nạn nhân đang độ tuổi ăn học lại bắt đầu chỉ từ một duyên cớ nhỏ nhặt, không đáng có.
Cáo trạng cho thấy, một buổi sáng tháng 2-2010, trong khi Nguyễn Anh H. giúp người yêu dọn hàng ra bán trước nhà (số 141A đường Minh Phụng, Q.6, TP.HCM) thì chiếc xe đẩy của mình va nhẹ vào xe hàng của anh Thái Cẩm Cường đang dựng kế bên. Sự việc tưởng sẽ chẳng có gì và lẽ ra nên dừng lại ở lời xin lỗi của H. Thế nhưng, anh Cường lại đem lòng ấm ức, tức giận H. Sau một hồi cự cãi nhau, Cường bỏ chạy vào nhà mang ra một khúc cây tầm vông, liên tiếp đánh bổ từ trên đầu H. xuống. Trong khi H. cũng vừa nhặt được cây tua-vít trên xe hàng của người yêu và đâm thẳng vào ngực trái của Cường khiến nạn nhân gục chết khi được đưa vào bệnh viện…
Trong “cuộc chiến” này, dễ dàng nhận ra tội ác được hình thành một cách quá dễ dàng. Lời xin lỗi trở nên thừa thãi và các bên quyết tâm phải giải quyết nhau bằng bạo lực. Một số nhân chứng cho biết, nếu H. không chống trả lại Cường thì có thể H. mới là người ra đi vì hung khí mà nạn nhân liên tục đánh bổ lên đầu H. có tính sát thương cao. Và lầm lỗi của H. thể hiện ở sự thiếu kiềm chế và nóng vội khi đáp trả bằng nhát đâm chí mạng…
Dư luận đến nay vẫn còn râm ran nỗi kinh hoàng trước câu chuyện ở đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) cách đây hơn 1 tháng. Ba thanh niên lưu thông bằng xe gắn máy va quẹt nhẹ với hai thanh niên khác đã lao vào tấn công đối phương bằng dây thắt lưng, mũ bảo hiểm. Bất ngờ, một trong hai thanh niên bị đánh rút dao đâm trả. Hậu quả là hai người chết tại chỗ, còn một thanh niên khác bị thương nặng phải đi cấp cứu. Hay như vụ việc tại Công viên Gia Định TP.HCM đầu tháng 6 vừa qua. Hai xe gắn máy chạy cùng chiều chỉ va nhẹ vào nhau nhưng lại dẫn đến xô xát giữa hai bên. Cuối cùng họ “giải quyết” nhau bằng con dao thủ sẵn trong người khiến một trong hai người gục chết tại chỗ… Và còn nhiều những vụ việc đau lòng, nhiều cái chết oan nghiệt khác xuất phát từ nguyên nhân khá vô lý. Đây phải chăng là một vấn nạn của xã hội?
Nỗi lo của người dân
Như đã nói, gốc rễ khởi nguồn trong hầu hết các tội ác hầu như chỉ dừng lại ở những va chạm nhỏ nhoi hay từ các mâu thuẫn lặt vặt vốn có thường xảy ra trong cuộc sống. Vậy, vì sao tội ác lại bộc phát dễ dàng như vậy? Giải thích điều này, nhà nghiên cứu xã hội – đô thị Cao Tự Thanh cho rằng: “Chúng ta đang trong một quá trình tái cấu trúc xã hội. Ở đó, các hệ giá trị vốn có phải liên tiếp lùi bước mà không có hệ giá trị chung – tức hệ thống chuẩn mực và tiêu chuẩn đạo đức thống nhất thì cộng đồng không còn là lực lượng bảo vệ được quyền lợi chính đáng, trong đó có sự an toàn cho mỗi cá nhân. Cho nên, khi chuyện xảy ra chẳng đáng gì mà một số người vẫn sử dụng bạo lực vì họ không có năng lực hay điều kiện giải quyết những xung đột lặt vặt trong cuộc sống bằng những cách thức phù hợp với lợi ích cộng đồng”. Đồng quan điểm này, trong vụ án Nguyễn Anh H., luật sư chỉ định bảo vệ quyền lợi hợp pháp của H. cho biết: “Qua quá trình điều tra, cho thấy H. là một thanh niên có bản chất hiền lành. Gia đình nghèo khổ nên từ nhỏ H. đã tự lập. Về TP.HCM làm ăn nhưng H. luôn tỏ ra hòa đồng, chịu khó và chưa từng gây với ai một hiềm khích nhỏ. Thế nhưng, bản thân H. lại không đủ tỉnh táo và chưa được trang bị để có những kỹ năng ứng xử trước những tình huống va chạm trong cuộc sống! Đây gần như là “tính chất” chung của những người trẻ bây giờ và là nỗi lo của không ít người dân khi sống giữa cộng đồng có những người như vậy”…
Bài, ảnh: Tuyết Dân

 

“Cướp giật, va quẹt giữa đường… đều có thể xảy ra án mạng. Chính điều này mang đến cho nhiều người một tâm lý thấp thỏm, lo lắng cho sự an toàn của mình trước khả năng bộc phát tội ác dễ dàng, nhanh chóng của những kẻ không có khả năng kiểm soát bản thân mình” – luật sư Lý Được, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết.

Bình luận (0)