Hội nhậpThế giới 24h

Khi tổng thống “tấn công” tỉ phú

Tạp Chí Giáo Dục

Khắp toàn cầu, các chính phủ đang tìm mọi cách giảm bớt bất bình đẳng xã hội trước sức ép ngày càng lớn của suy thoái kinh tế.

 

Tổng thống Mexico Felipe Calderon (trái) chỉ trích thẳng thắn tỉ phú Carlos Slim – Ảnh: Reuters, AP

Có tiền thì không hẳn có quyền nói mọi thứ. Ngày 12-2, Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã chỉ trích gay gắt tỉ phú Carlos Slim, người giàu thứ hai thế giới hiện nay theo danh sách của Forbes. Lỗi của ông Slim là liên tục đưa ra những cảnh báo bi quan về tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế của Mexico, trong khi không có hành vi nào thiết thực giúp chính phủ đối phó với tình hình. “Chúng ta phải chung tay vì Mexico trong thời kỳ khó khăn này, đặc biệt với những ai đã được hưởng lợi nhiều nhất từ quốc gia vĩ đại này” – Reuters dẫn lời ông Calderon.

Các quan chức Chính phủ Mexico đã nhiều lần cáo buộc ông Slim làm tình hình kinh tế thêm tồi tệ với những dự báo quá bi quan. Ngày 10-2, Bộ trưởng Lao động Mexico Javier Lozano đã yêu cầu nhà tỉ phú phải đảm bảo các tập đoàn truyền thông Telmex và America Movil, thuộc sở hữu Slim, không sa thải thêm lao động.

Tuần trước, AP đã trích dẫn nhiều phát biểu đầy tức giận của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích giới chủ ngân hàng rằng đây “không phải là lúc làm giàu”. Ông Obama thậm chí còn đề cập việc luật hóa quy định áp đặt mức trần lương đối với giới chủ ngân hàng không quá 500.000 USD/năm.

Ngay lập tức đã có nhiều tiếng nói phản đối từ những người xưa nay được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhưng những người ủng hộ cũng không ít. Ngày 12-2, Bloomberg dẫn lời ông Vikram Pandit, giám đốc điều hành Tập đoàn Citigroup – tập đoàn đã nhận 45 tỉ USD cứu trợ từ chính phủ, rằng ông sẽ chỉ nhận mức lương 1 USD/năm và không có tiền thưởng cho tới khi nào ngân hàng có lãi trở lại.

Học tập ông Obama, ngày 10-2 Thủ tướng Kazakhstan Karim Masimov thông báo đang xem xét và sẽ sớm quyết định việc cắt bớt bổng lộc của họ, dựa trên mức lương của ông làm khung. Quyết định có thể được triển khai từ tháng 3-2009 bởi các công ty quốc doanh thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ. Đây là cách làm dịu bớt lo lắng từ người dân do mức tăng trưởng kinh tế gần như bằng không, tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng và thu nhập sụt giảm.

Thủ tướng Masimov phân tích trong một cuộc họp nội các: “Chúng ta đều biết rằng ở những nước phát triển hàng đầu, lương bổng cho giới lãnh đạo các công ty đang bị siết chặt. Tôi cho rằng chúng ta không thể phớt lờ vấn đề này. Tôi đề xuất mức lương của các giám đốc (những công ty nhà nước) không được cao hơn lương của thủ tướng”.

Theo những gì ông Masimov viết trên blog của mình (primeminister.government.kz), lương tháng của ông khoảng 700.000 tenge (4.700 USD). Con số đó dù đã gấp bốn lần thu nhập bình quân đầu người tại Kazakhstan nhưng chỉ bằng 1/12 mức lương tổng giám đốc các công ty dầu khí và khai khoáng quốc doanh.

Tuần trước, AFP đưa tin ông Pascal Lamy, tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Die Welt đã lên tiếng cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại có thể dẫn tới những bất ổn xã hội nghiêm trọng tương đương với thời kỳ đại suy thoái những năm 1930. AFP bình luận rằng đó không chỉ là một cảnh báo, bất ổn xã hội do suy thoái kinh tế đã thật sự bùng nổ thành bạo lực ở Hi Lạp, Pháp, Trung Quốc… Vì vậy trong bối cảnh này, những vị lắm tiền nhiều của đang được kêu gọi có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

HẢI MINH (TTO)

Bình luận (0)