Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khi trẻ cố chấp

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ cố chấp là muốn chứng tỏ mình có suy nghĩ. Do đó cha mẹ phải tận tình giải thích cho con hiểu rõ đúng – sai (ảnh minh họa). Ảnh: T.Tri

Dân gian có câu “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” để nói đến quan niệm về việc dạy con của một số bậc cha mẹ. Không ít người cho rằng con cái ngoan ngoãn là phải biết vâng lời, và bất hạnh thay nếu con cái cố chấp, chống đối, cãi lời cha mẹ. Vậy, trẻ cố chấp có hẳn là trẻ hư?Làm sao để trị chứng cố chấp, bướng bỉnh của trẻ?
Cá không ăn muối cá sẽ… ươn?
“Đúng là đồ hư hỏng, không nghe lời cha mẹ. Để đó rồi xem, cá không ăn muối cá ươn mà!”. Mặc dù chị Minh Thu (Biên Hòa, Đồng Nai) nói khô hơi, rát cổ, thậm chí đe dọa hay nài nỉ, nhưng thằng bé vẫn bướng bỉnh, tỏ thái độ không chịu nghe theo lời cha mẹ.
Cậu bé Minh Trí (6 tuổi) – con trai chị Minh Thu – đã phản ứng mạnh mẽ khi cha mẹ ép đi học vẽ: “Con không học vẽ đâu, con chỉ thích học bơi thôi. Cha mẹ phải đồng ý với con chứ!”. Nói xong cậu chạy về phía phòng mình khóa trái cửa, còn cha mẹ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm trước cậu con trai lì lợm. Những lời khuyên bảo, dạy dỗ của vợ chồng chị Minh Thu dành cho con cứ trôi tuột như nước đổ đầu vịt.
Trong khi đó, Hoài Anh (11 tuổi) – chị gái Minh Trí – còn sắc sảo hơn khi cãi lời cha mẹ: “Thời đại của cha mẹ khác chúng con, bây giờ cá chẳng cần ướp muối mà vẫn tươi, người ta đã biết cách bảo quản bằng tủ lạnh. Cha mẹ thật mâu thuẫn khi bắt chúng con phải nghe và vâng lời tất cả những gì người lớn bảo trong khi chúng chẳng còn phù hợp với tụi con”.
Trước những tình huống đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý trẻ cố chấp, bướng bỉnh không hoàn toàn là trẻ hư. Thực tế, đứa trẻ nào cũng có lúc tỏ ra cố chấp. Đây là điều bình thường bởi vì trẻ đang trong quá trình tìm hiểu và thể hiện mình trước thế giới xung quanh, trong đó có khám phá ra giới hạn của chính mình, nên các em rất ngại câu nói: “Con lớn rồi thì phải thế này, thế kia” của cha mẹ. Tuy nhiên, vì vẫn còn là trẻ con nên chưa thấy được đâu là giới hạn trong ứng xử, hành động. Vì thế, cha mẹ chính là người vạch ra giới hạn cho trẻ.
Vì sao trẻ cố chấp?
Khi trẻ cứ khăng khăng đòi làm theo ý của mình, không ít bậc phụ huynh không giấu được nỗi bực mình và tức giận. Nhiều người cho rằng trẻ đang thách thức mình nên không khỏi bối rối đã giận dữ quát mắng trẻ. Trong khi đó, nếu bình tĩnh, các bậc phụ huynh sẽ nhận ra rằng sự nóng nảy, cáu gắt không giải quyết được vấn đề gì, chỉ khiến tình hình thêm xấu đi, trẻ sẽ càng cứng đầu hơn.
Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em thì khi trẻ biểu hiện sự cố chấp, cứng đầu là cách trẻ muốn chứng tỏ mình biết suy nghĩ. Trẻ em cố chấp khăng khăng bảo vệ ý kiến và hành vi của mình là để bảo vệ suy nghĩ và niềm tin của mình. Trẻ chưa thấy được sự không phù hợp trong thái độ và hành vi của mình. Vì thế, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu động cơ, lí do dẫn đến sự cố chấp trong thái độ và hành vi của trẻ để đưa ra cách đối xử hợp lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ cố chấp. Hoặc là do trẻ đang lo lắng, sợ hãi, mong muốn cha mẹ quan tâm mình nhiều hơn hoặc có thể chỉ là trẻ muốn khẳng định mình, muốn chống đối những yêu cầu của cha mẹ.
Biện pháp để trị chứng cố chấp
Khi trẻ tỏ ra cố chấp, chống đối, cha mẹ hãy tận tình giải thích cho con hiểu vì sao bạn yêu cầu trẻ làm điều đó. Đồng thời trẻ cũng phải biết rằng không vâng lời thì sẽ bị phạt hoặc không được thưởng những mòn quà hay không được đi chơi…
Cha mẹ cũng cần phải lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của trẻ, đặt mình vào vị thế của con và trong một vài trường hợp, cha mẹ hãy mạnh dạn cho trẻ làm theo ý muốn của chúng trong sự kiểm soát của người lớn. Sau đó hãy phân tích kết quả mà trẻ đạt được và chỉ cho trẻ thấy nếu vâng lời cha mẹ thì hành động đó sẽ có kết quả tốt hơn. Nếu bạn muốn trẻ vâng lời, hãy chọn thời điểm thích hợp để truyền đạt đến chúng những yêu cầu và mong muốn của mình. Đừng bắt trẻ phải dừng lại một việc mà chúng đang yêu thích để làm theo yêu cầu của mình. Bởi đây là việc làm không tốt, nếu trẻ không đồng ý thì sẽ nảy sinh xung đột không đáng có với con bạn. Ngược lại, nếu bắt buộc trẻ làm thì chúng chỉ thực hiện một cách miễn cưỡng, không có tác dụng giáo dục.
Các bậc phụ huynh cần tránh thái độ áp đặt, bắt buộc trẻ phải thực hiện mà không giải thích một cách cụ thể, đầy đủ. Trẻ chỉ cố chấp khi chưa hiểu một cách đầy đủ mong muốn của cha mẹ cũng như ý nghĩa của công việc mà mình phải thực hiện. Cha mẹ cũng tránh kiểu phủ đầu sự hiểu biết của con trẻ bằng câu: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt à? Con còn nhỏ biết gì mà ý kiến, ý cò. Không lẽ cha mẹ lại dạy con làm điều sai?”. Những cách nói đó vừa gây xung đột giữa cha mẹ và con cái vừa làm trẻ không tâm phục, khẩu phục. Trong quá trình dạy con, phụ huynh cũng phải thừa nhận những hiểu biết đúng đắn của con trẻ. Đồng thời, cũng phải thừa nhận với chúng rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng đúng. Có như thế mới thuyết phục và gần gũi với con hơn.
Lê Phạm Phương Lan
(giảng viên tâm lý học)
Các bậc phụ huynh cần tránh thái độ áp đặt, bắt buộc trẻ phải thực hiện mà không giải thích một cách cụ thể, đầy đủ. Vì trẻ chỉ cố chấp khi chưa hiểu một cách đầy đủ mong muốn của cha mẹ cũng như ý nghĩa của công việc mà mình phải thực hiện.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)