Sinh con thứ 2 là chuyện phổ biến trong các gia đình trẻ hiện nay, thế nhưng nhiều cha mẹ không biết làm cách nào để các con luôn hòa thuận, để khi con lớn có em mà không cảm thấy tủi thân. Nữ diễn viên Thanh Thúy, bà mẹ hai con đã có những chia sẻ thú vị!
Diễn viên Thanh Thúy và hai con trai
Khi mới bắt đầu mang thai, một trong những điều Thúy lo lắng nhất là liệu Cà Phê, con trai lớn 8 tuổi của Thúy có thương em không, có ganh tị với em không?
Tại sao nhiều bé có cảm giác mình bị “ra rìa” khi có em, đó chính là do cách cư xử sai lầm của cha mẹ. Các ông bố bà mẹ hãy nắm vững những điều cơ bản sau:
+ Không nên để con lớn ngủ một mình. Sau khi sinh con thứ 2, chúng ta sẽ có vô vàn lý do để cho đứa lớn ra ngủ riêng như giường chật quá, sợ con đè vào em, sợ em quấy làm phiền con… Thế nhưng, chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của con mà cảm nhận. Tại sao vừa có em, tình yêu của bố mẹ dành cho mình lại bị bớt xén đi, đến cả chỗ ngủ cũng bị chiếm mất? Do đó, các cha mẹ nên tập cho con ngủ riêng từ trước khi có em, hoặc là 1 đứa ngủ với cha 1 đứa ngủ với mẹ, còn không thì cả nhà nằm chung 1 giường cũng không sao.
+ Không được mang hai con ra so sánh. Cha mẹ hay những người thân trong gia đình thường rất hay mắc phải lỗi này, ví dụ như đứa con lớn biếng ăn, người lớn lại nói: “Con thấy em ăn giỏi không? Con lớn rồi mà không ăn giỏi bằng em, anh hai gì mà dở hơn em luôn”. Bạn có thích mình bị mang ra so sánh với một ai đó không? Trẻ nhỏ thì cũng như người lớn mình thôi, đó là điều tối kỵ. Thay vì so sánh, bạn nên hỏi thăm con: “Sao con không thích ăn món này vậy?”.
+ Làm công tác tư tưởng cho con lớn trước khi đi sinh. Đại loại như: “Con ơi, sắp tới khi mẹ sinh em ra, mẹ bị đau lắm nên mẹ sẽ không thể quan tâm đến con nhiều hơn, con thông cảm cho mẹ nha!”. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu ra tại sao mẹ không còn quan tâm tới mình nhiều như trước đây.
Nếu bạn sinh con thứ, hãy khẳng định với con rằng: Con luôn nhận được tình yêu thương trọn vẹn, sẽ không vì bất cứ ai mà thay đổi. Như có lần, Cà Phê hỏi: “Giữa em và con mẹ thương ai hơn”, thì Thúy đã nói: “Con và em đều là con của mẹ, nên mẹ yêu hai anh em bằng nhau hết. Con hãy tưởng tượng con là cánh tay phải, em là cánh tay trái. Con có thương cánh tay phải hơn tay trái không?”. Nghe vậy Cà Phê nói ngay: “Dạ con thương cả hai tay như nhau”.
+ Đừng bắt con nhường em chỉ bởi vì con là anh (chị). Câu nói này được xem như là câu cửa miệng của những gia đình có đông con: “Con nhường đồ chơi cho em đi, con là anh mà”. Hoặc: “Con là anh nên con không được đánh lại em”. Thử nghĩ mà xem, liệu có mấy đứa trẻ nghĩ được rằng: “Đúng, mình là anh, nên mình phải nhường em hết” hay là chúng lại nghĩ rằng: “Mẹ không yêu mình, mẹ yêu em hơn nên mới bắt mình nhường em”. Tâm lí của những đứa con lớn trong gia đình sẽ hiểu rằng, mình phải nhường cả cha mẹ cho em. Cái gì cũng bắt con phải nhường có thể khiến bé cảm thấy tổn thương. Cứ thế, đứa trẻ sẽ lớn lên với một cảm giác thiếu an toàn trầm trọng, tại sao mình phải nhường? Bởi vì mình không đủ tốt. Đối với những đứa trẻ chỉ cách nhau chưa đến 2 tuổi, cảm giác này sẽ càng mạnh hơn.
+ Mỗi đứa trẻ đều cần có “khoảng thời gian đặc biệt”. Kể từ khi có đứa thứ 2, cha mẹ càng ít thời gian rảnh rỗi, nhưng dù vậy, bạn vẫn phải dành thời gian để bầu bạn riêng với mỗi đứa con. Nếu có thể, hãy gửi con nhỏ cho người thân rồi cùng con lớn đi chơi riêng. Khi con lớn đi học, hãy thân thiết hơn với con nhỏ. Mặc dù đó chỉ là những sự sắp xếp rất đơn giản nhưng đối với các con, điều đó mang những ý nghĩa sâu sắc cùng tình cảm to lớn.
Anh Khôi (ghi)
Bình luận (0)