Tòa soạnThư đi – tin lại

Khi trẻ “đùa với tử thần”

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ tắm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Hiện nay, khí hậu tại TP.HCM oi bức, nóng nực. Để “giải nhiệt”, không ít trẻ đã đổ về các nơi có kênh rạch để tắm, bất kể giờ giấc.
“Giải nhiệt” ở kênh rạch
Quan sát các hồ bơi tại TP.HCM như Kỳ Đồng (Q.3), Lam Sơn (Q.5), Cung Văn hóa Lao động (Q.3), Phú Thọ (Q.11), Đại Thế Giới (Q.5), Văn Thánh (Q.Bình Thạnh), Câu lạc bộ Lan Anh (Q.10)… những ngày này lượng người đến bơi tấp nập. Vào những ngày nắng nóng (cao điểm là từ 10 giờ đến 18 giờ), các hồ bơi đều trong tình trạng quá tải. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ đi “giải nhiệt” ở sông, ao hồ, kênh rạch.
Suốt gần 2 giờ đồng hồ, đám trẻ gần chục đứa lặn hụp dưới nước kênh đen ngòm, một đoạn dẫn ra sông Ông Lớn mé thuộc P.Tân Phong, Q.7. Người dân ngụ gần đó cho biết, ngày nào cũng có nhiều nhóm trẻ tụ tập tắm kênh, có hôm tới 9-10 giờ đêm vẫn còn tắm. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè những ngày này, trẻ từ khắp nơi đổ về tắm mát ngày một đông, nhất là từ chiều đến sẩm tối. 16 giờ, hơn chục đứa trẻ vẫn còn nguyên bộ đồng phục học sinh đạp xe đến đường Hoàng Sa để tắm. Nhóm này còn thi thố tài năng  bằng cách trèo lên lan can rồi nhảy xuống kênh… mặc cho lục bình, rác thải cuồn cuộn theo dòng thủy triều dâng. Trẻ thì thi thố với các màn biểu diễn rợn người như lộn từ lan can bảo vệ, thi lặn… còn người lớn hiếu kỳ ghé vào để xem, cổ vũ cho những đứa trẻ đang “đùa với tử thần”. Hết tốp này đến tốp khác, mỗi tốp chọn một điểm, thường là nơi có cầu thang (thang chuyên dụng lắp sẵn dành cho nhân viên kiểm tra, theo dõi xử lý nước thải). Quang cảnh hai bên con kênh mỗi chiều náo nhiệt hẳn lên vì tiếng reo hò cổ vũ từ những nhóm trẻ trổ tài thi bơi lội. Ông Nguyễn Văn Quang, trú đường Trường Sa, P.9, Q.3 ngao ngán: “Không biết cha mẹ chúng có biết con mình đang “đùa với tử thần” hay không? Tắm kênh kiểu này không bị tai nạn đuối nước thì cũng mắc nhiều bệnh do nước kênh ô nhiễm”.
Trưa nắng gắt, kênh Tàu Hũ bốc mùi hôi thối, tanh tưởi nhưng đoạn chảy qua cầu Chánh Hưng mỗi trưa có rất đông trẻ tắm. Người qua lại không khỏi rùng mình khi nước ròng đen ngòm, đặc quánh, rác thải phủ kín nhưng đám trẻ con vẫn trầm mình dưới nước. Theo tìm hiểu, trẻ tắm ở đây đa phần là trẻ cư ngụ tại địa phương, trong đó số ít là con em các gia đình sống tạm bợ ở gầm cầu, chợ… gần đó. “Tầm sau giờ tan học trưa hoặc chiều có rất đông trẻ ra đây tắm, chủ yếu là học sinh tiểu học và THCS. Tôi khuyên bảo nhiều lần nhưng nhiều đứa không nghe”, bà Nguyễn Thị Hải, người bán hàng nước gần chân cầu Chánh Hưng nói.
Hiểm họa khó lường
Thời gian qua, từ thành thị đến nông thôn có nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra mà nạn nhân đều trong lứa tuổi học sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Song, ở một số địa phương với đặc thù vùng sông rạch, việc quản lý con em không phải là chuyện đơn giản đối với những gia đình mà cha mẹ phải làm lụng đầu tắt mặt tối.
UBND TP.HCM cũng đã có ý kiến chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành có giải pháp ngăn chặn trẻ nhảy cầu, tắm kênh. Các địa phương, đơn vị có liên quan cũng đã tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình để nâng cao ý thức, giáo dục trẻ nhưng chưa hiệu quả tại một số địa phương. Ngành GD-ĐT TP.HCM đã và đang nỗ lực thực hiện kế hoạch phổ cập bơi lội cho trẻ giai đoạn 2010-2015. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn do nguyên nhân khách quan nhưng đây là một việc làm cần thiết và cấp bách nhằm trang bị cho trẻ kiến thức bơi lội. Tuy nhiên, kế hoạch phổ cập bơi lội sẽ hiệu quả hơn khi nhà trường linh động lồng ghép tuyên truyền, cảnh báo về tai nạn đuối nước đã xảy ra bằng các bản tin, dẫn chứng cụ thể.
Nguồn nước kênh rạch ô nhiễm là mầm mống nhiều loại dịch bệnh. Bác sĩ Trương Thị Ánh, Khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết nước sông, kênh rạch ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về mắt, da và bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Đây là nhóm bệnh do vi sinh vật gây ra. Bác sĩ Ánh cảnh báo: “80% trẻ mắc bệnh tả, tiêu chảy, giun sán, đau mắt, viêm gan siêu vi A… là trẻ sống trong vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, thường xuyên tắm sông, rạch…”.
Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)