Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi trẻ ghiền game được phát huy năng khiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh đọc sách trên máy tính bảng ở thư viện trường học (ảnh minh họa)

Nhân đọc bài Smartphone “tấn công” HS tiểu học trên Giáo dục TP.HCM ngày 5-12, tôi xin kể câu chuyện một học sinh ghiền game đến quên ăn quên ngủ.

Vào năm học chừng hai tuần, có anh phụ huynh đến trường gặp tôi tâm sự: Triệu Lâm – tên con anh – đang học lớp 3, tính tình ngoan hiền, cuối năm học rồi đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc và đoạt giải nhì cấp huyện trong hội thi “Em viết đẹp – viết đúng”; chỉ có điều cháu mê chơi game quá, đi học thì thôi về nhà là cháu quăng cặp sách một bên, hết cầm điện thoại đến iPad, có khi chơi quên ăn quên ngủ. Nhiều lúc vợ chồng tôi bực quá la rầy, có khi còn đánh đòn cháu mà cháu vẫn không sợ, cứ khư khư ôm cái máy. Bây giờ vào năm học mới, vợ chồng tôi lo quá vì sợ cháu mê chơi quên học, ở nhà cháu không phụ được gì mà rảnh rỗi nhiều thời gian trống…

Nghe anh nói, tôi nghĩ chắc suốt ngày “ôm” điện thoại, iPad thì cứ cái đà này con anh ghiền game sẽ bỏ bê chuyện học hành. Tôi chưa kịp trao đổi gì thì anh đề nghị: “Con nít ở nhà cha mẹ rầy la có khi không sợ mà khi đi học ở trường các cháu rất sợ thầy cô, dù thầy cô không la mắng hay đánh đòn roi. Thầy cô là thần tượng của học sinh, hễ thầy cô nói điều gì là các cháu cũng bảo đúng làm theo; hôm nào rảnh rỗi, thầy thử nói chuyện nhắc nhở Triệu Lâm bớt chơi game, xem cháu có nghe lời thầy không?”. Tôi cười nói: “Anh tin tôi, thì tôi cũng thử một lần nói với em xem kết quả thế nào”.

Sáng nọ sau giờ chào cờ, tôi gặp Triệu Lâm, gọi em đến gần nói nhỏ: “Tổng kết năm học vừa rồi, Triệu Lâm chắc được nhà trường khen thưởng nhiều lắm phải không? Thầy biết em học giỏi, lại viết chữ đẹp, em ráng năm học này cũng giỏi để lãnh thưởng như năm rồi nghen. Nhưng thầy nghe ba em nói em mê chơi game lắm phải không, chơi đến nỗi quên ăn quên ngủ. Theo thầy, chơi game không xấu trái lại người thông minh mới chơi giỏi. Thầy đọc báo biết ở nước ngoài có trường dạy cho học sinh luyện tập chơi game, vì vậy thầy khuyên em chơi sao phải có chừng mực, mỗi ngày dành chừng nửa tiếng đồng hồ chơi, chứ đừng mê muội ôm máy đến nỗi ghiền thì khó mà cai, lúc đó em học tập sa sút cho mà xem. Thầy tin em sẽ làm được chuyện đó”. Nghe tôi nói như vậy, em đáp: “Dạ, thầy tin em sẽ thực hiện đúng lời thầy chỉ bảo”.

Hai hôm sau, anh phụ huynh gặp tôi với thái độ vui vẻ, hỏi tôi dồn dập: “Bộ thầy rầy la, nhắc nhở Triệu Lâm nhiều lắm hay sao mà mấy ngày qua ở nhà tôi thấy cháu chơi game chừng 20 phút rồi cất iPad. Mẹ của cháu tỏ ra hết sức bất ngờ khi thấy hiện tượng lạ đó, mới hỏi cháu sao hôm nay nghỉ chơi sớm vậy, cháu bảo hôm thứ hai ở trường thầy hiệu phó có nhắc con mỗi ngày chơi chừng 30 phút, giờ con cảm thấy chơi nãy giờ bao nhiêu thời gian đó đủ rồi mẹ. Đúng là cháu nghe lời thầy khuyên răn dạy bảo, từ đây về sau cháu mà thực hiện được như lời nói thì vợ chồng tui rất mừng và vui lắm. Vợ chồng tôi biết ơn thầy nhiều lắm!”. Tôi cười nói: “Chuyện không có gì to lớn đâu. Con anh xem vậy nhưng dễ dạy bảo mà, anh nên nhớ giáo dục con cái cha mẹ đừng nóng vội rầy la, hay dùng đòn roi để dạy bảo. Trái lại cha mẹ phải nhẹ nhàng từ từ khuyên răn dạy bảo, thấy con có điểm mạnh nào nêu ra để động viên, còn khiếm khuyết điểm nào đó thì chỉ ra và giúp đỡ con khắc phục sửa chữa, tạo cơ hội cho con tự tin vào bản thân mình thì chuyện giáo dục hiệu quả mang lại sẽ cao.

Trần Văn Tám 
(Củ Chi, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)