Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi trẻ nói điều ngớ ngẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây khá nhiều người quen và phụ huynh hỏi tôi sao con em họ đôi khi nói những điều hết sức ngớ ngẩn làm họ rất băn khoăn, lo lắng.
Một chị phụ huynh đến hỏi tôi những biểu hiện của L. (con chị) ở lớp có gì khác thường không. Tôi bảo em vẫn lanh lợi, học tập, vui chơi bình thường như các bạn khác. Nghe vậy chị bảo thế sao về nhà, L. thường hay nói với ba mẹ những điều mà chị cho rằng không bình thường. Chẳng hạn, L. hỏi mẹ: “Mai mẹ chở con đi bơi được không?”, chị bảo mai thứ sáu phải đi làm và con đi học thì sao đi bơi được. L. lại tiếp tục nói: “Nhưng mà mẹ có chở con đi bơi được không?”, làm chị bực mình la mắng, bảo con có bệnh gì không mà nói lung tung vậy.
Một đồng nghiệp nữ hỏi tôi, thời gian gần đây cháu của cô (đang học lớp 6) dù vẫn học tập tốt ở lớp, thế nhưng thường hay nói với cô những điều “khùng khùng, điên điên sao ấy”. Cô kể một vài chuyện, như ngày 20-11 vừa qua, cháu hỏi cô: “20-11, con có mặc đồng phục của lớp đến trường không?”. Cô ngạc nhiên hỏi áo đồng phục lớp may hồi nào mà mặc, cháu bảo chưa may và còn hỏi tiếp: “Không mặc đồng phục lớp có bị la không?”…
Qua tìm hiểu, tôi được biết L. có ba làm ăn xa, mấy tháng mới về một lần. Còn mẹ đi làm, tối mới về nhà. L. học bán trú, cả ngày ở trường, đến chiều ông bà ngoại rước về nhà ngoại. Tối đến, mẹ mới rước em về nhà ngủ. Trong khi cháu của cô đồng nghiệp thì cha mẹ ly hôn, em ở bên nội và cô là người nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng cô cũng bận rộn với công việc của mình…
Theo tôi, những đứa trẻ ấy đang thiếu sự quan tâm và các em cần được chia sẻ. Những lời nói đó tưởng là ngớ ngẩn nhưng thực sự là cái cớ để các em được trò chuyện, được thấy sự quan tâm của người thân.
Theo các nghiên cứu về tâm lý trẻ em, khi trẻ đột ngột nói điều ngớ ngẩn, người lớn cần nói chuyện với trẻ nhiều hơn bởi đó chính là lúc các em cần được chia sẻ, cảm thông nhưng các em không biết bắt đầu như thế nào. Nếu mẹ em L. lúc ấy nói: “Con muốn đi bơi hả? Hôm nào rảnh mẹ sẽ chở con đi bơi” chắc chắn cuộc trò chuyện của hai mẹ con sẽ vui vẻ hơn và L. sẽ tâm sự nhiều điều với mẹ hơn. Hay như cô đồng nghiệp của tôi, nếu lúc ấy cô nói với cháu: “Con lấy bộ đồ nào đi học mới nhất đưa cô ủi để mai con mặc là được rồi” như thế, cháu sẽ dễ dàng nói với cô những điều mình muốn nói.
Cuộc sống hiện nay rất tất bật, cha mẹ ít có thời gian chuyện trò cùng con cái. Chính vì vậy, việc sắp xếp một bữa ăn chung trong ngày, một chương trình truyền hình mà cả nhà cùng xem… là điều hết sức cần thiết. Bởi lúc ấy không khí thân mật, ấm áp của gia đình sẽ tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ những suy nghĩ, mong muốn của mình.
Lê Phương Trí

Bình luận (0)