Đã lâu rồi tôi không còn sử dụng cây roi để đánh học sinh (HS) vì hai lẽ: Một là: Tôi là người quản lí rồi nên “ráng kìm lại” để giáo viên không viện cớ: “Đó, hiệu phó còn đánh HS huống gì mình”. Hai là: Nghe hiệu trưởng thường xuyên nhắc: “Đừng ai vi phạm nhân cách HS, để khi xảy ra chuyện hiệu trưởng xử lí cấp dưới sẽ không hay, mà hiệu trưởng cũng không muốn. Vả lại xúc phạm nhân cách các em, các em sẽ bị tổn thương”.
Nhưng có lúc thấy tức ghê, HS có lỗi dù ít dù nhiều, giáo viên cứ đưa lên cho chúng tôi giải quyết như “đố xem các cô có giải quyết được hay không”, bởi lẽ có những em “thèm” roi lắm, phải có cây roi mới chịu học. Cô hiệu trưởng khuyên năm lần bảy lượt vẫn không nghe, tôi nôn nóng nói: “Để em gọi điện cho ba cháu, cháu sợ ba cháu lắm”. Nói là làm. Tôi không biết ba cháu đã làm cách gì nhưng cháu ngồi im trong giờ học, giáo viên khen gia đình giải quyết hay quá chừng. Thành công thật sự khi ba cháu đã chọn cách giáo dục “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bao nhiêu hình ảnh em K. – lớp 1/2; em L., em H. – lớp 2/2; em Th. – lớp 4/2; em L., em H., em N. – lớp 5/2… đã bị ba, mẹ đánh thừa sống thiếu chết đến nỗi các em phải năn nỉ với tôi trong mỗi lần phạm lỗi, tôi đã vô cùng hối hận. Nhưng cái ngoan của các em chỉ giữ được một thời gian ngắn – vài ngày, một ngày, một buổi, có khi chưa đầy một giờ… rồi cái chiêu “gọi điện cho phụ huynh” lại tiếp tục và các em lại mê chơi… Phụ huynh truyền kinh nghiệm về phương pháp giáo dục lại cho tôi, cho giáo viên: “Nó quậy hay không nghe lời, các cô cứ đánh nó đi, tôi không kiện đâu…”. Tôi cười và giải thích: “Đụng đến cháu rồi mới biết phụ huynh nào hiền, phụ huynh nào dữ…”.
Thật tình trong suy nghĩ của tôi, phương pháp giáo dục của người xưa “Thương cho roi cho vọt” cũng không hẳn sai, nhưng cũng có nhiều phụ huynh với những lời giáo huấn con bằng lời lẽ ngọt ngào mà con vẫn ngoan, vậy thì cái đúc kết: “Ghét cho ngọt cho bùi” liệu có đúng?
Theo tôi, tùy đối tượng HS, tùy lỗi của các em mà người giáo dục lựa chọn phương pháp giáo dục sao cho phù hợp.
Đặng Thị Ngọc Phượng
(Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)
Bình luận (0)