Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T |
Năm nào cũng vậy, vào thời điểm trong và sau Tết, các bệnh viện tiếp nhận được rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến rượu. Và điều đáng nói ở đây là ngày càng có nhiều bệnh nhân “nhí” – ở lứa tuổi vị thành niên…
Suýt chết vì… rượu
Đêm 19-1-2010, sau khi uống rượu, N.Đ.B. – nam, 15 tuổi (Q.7) đã gây gổ với người thân. Cứ tưởng gây xong thì B. sẽ lên giường đi ngủ như mọi lần, nhưng con “ma men” “nhí” này lại quyết định tự sát bằng cách lấy một con dao nhọn và tự đâm 4 nhát vào bụng mình. Ngay lập tức, bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Quận 7. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ ngoại khoa đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân vào lúc 2 giờ sáng ngày 20-1. Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho biết, vết đâm đã làm thủng 3 vị trí ở hỗng tràng và 1 vị trí tại mạc nối lớn. Nhưng may mắn là vết đâm không làm tổn thương các mạch máu lớn, các cơ quan quan trọng trong ổ bụng nên bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái của thần chết.
Trước đó, tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã cứu sống một trường hợp bị ngộ độc rượu, đó là bé nam Ng. Th. Ng. – 13 tuổi, ngụ tại Long An. Gia đình bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện, Ng. và ba bạn nam cùng trang lứa uống rượu theo kiểu “xoay vòng đến lượt”. Sau đó Ng. đã say và được các bạn dìu về nhà. Đến nhà, em nằm mê man, li bì, không đánh thức được, thở mệt nên được đưa đến bệnh viện Long An. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, em hôn mê, kích thích đau không đáp ứng, thở nhanh sâu, co kéo, phổi nhiều ran ẩm. Xét nghiệm cấp cứu cho thấy, em bị nhiễm toan máu, hạ đường huyết. X-quang phổi cho thấy em bị viêm phổi hít, xét nghiệm độc chất trong máu và nước tiểu cho kết quả rượu dương tính. Sau một ngày được các bác sĩ ở khoa hồi sức tận tình cứu chữa, sức khỏe của Ng. dần ổn định.
Nhiều học sinh thích làm bạn với rượu
Thật đáng buồn khi ngày càng có nhiều học sinh, thậm chí có em mới học lớp 6, lớp 7 đã thích làm bạn với rượu. Có 1001 lý do để các em tìm đến rượu. Bị điểm kém, uống rượu. Sinh nhật bạn, uống rượu. Bị bố mẹ hay thầy, cô rầy la, uống rượu. Đặc biệt là sau Tết, nhiều em đã đem rượu, bia vào lớp học.
Có chút hơi men vào, hậu quả sẽ rất khôn lường. Nhiều học sinh muốn “thanh toán” bạn đã dùng “hơi men” để lấy tinh thần. Theo đó mà những vụ học sinh đánh nhau trong thời gian này cũng tăng hơn…
Theo các bác sĩ, rượu cũng có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Rượu có thể giúp tiêu hóa tốt, hạn chế các bệnh về tim mạch và ngừa bệnh ung thư. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu sẽ đối mặt với các nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ…
Ngộ độc rượu xảy ra ở cả hai dạng: cấp tính và mãn tính. Trường hợp ngộ độc mãn tính sẽ gây bệnh loạn thần do rượu. Người mắc bệnh này sẽ có những thay đổi lệch lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ. Thậm chí bị hoang tưởng ảo giác, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân N.Đ.B. nêu trên. Trong trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, người uống bị mất thăng bằng, nôn ói, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí bị tử vong. Cũng có trường hợp ngộ độc rượu nặng bị ngã trong lúc loạng choạng dẫn đến chấn thương sọ não.
Vậy làm sao để trẻ vị thành niên biết nói “không” với bia, rượu? Ngoài việc khuyên nhủ con, em không nên sử dụng rượu bia, phụ huynh nên đồng cảm, chia sẻ với các em nhiều hơn để chúng cảm thấy đang được gia đình và xã hội quan tâm chăm lo cho tương lai, cho sức khỏe.
(tên các nhân vật trong bài đã được đổi
THANH HUYỀN
Bình luận (0)