Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi trẻ vượt bức tường lửa

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây một tuần, khi mượn máy tính bàn của con để sao chép dữ liệu, tôi phát hiện ra máy tính con mình bị nhiễm khá nhiều virus (do máy chạy chương trình quá chậm). Mặc dù tôi đã cài phần mềm diệt virus B cho cháu nhưng xem ra những con virus này quá cứng đầu, vẫn không diệt được hết. Tôi buộc lòng phải download trên mạng phần mềm virus khác để diệt tạm thời cho xong rồi sau đó sẽ cài máy lại. Đoán là con mình đã vào những trang web có nội dung không lành mạnh nên tôi vào phần lịch sử truy cập của Google Chrome để kiểm tra. Kết quả cho thấy, chỉ trong vòng ba ngày, cháu đã truy cập đến 40 trang web đen đồi trụy. Điều khiến tôi kinh ngạc hơn là tại sao cháu lại vào được những trang web này, trong khi tôi đã cài phần mềm ScrubIT có cung cấp tính năng ngăn chặn truy cập vào những trang web sex, độc hại. Sau một hồi tìm lại phần lịch sử truy cập kỹ hơn, chi tiết hơn tôi mới phát hiện ra cháu đã mượn một trang “vượt bức tường lửa” để vào các trang web đen. Vậy là đã có ai đó (chắc là bạn bè) đã bày cho cháu cách này, vì cháu không rành về internet cho lắm. Cũng may là cháu chưa biết cách vào mục lịch sử của Google Chrome và Firefox để xóa các nhật ký truy cập nên tôi mới phát hiện ra chuyện động trời này. Sau hơn hai giờ khó nhọc, cuối cùng tôi cũng dọn xong ổ rác trên máy tính của con.

Con trai tôi năm nay lên lớp 12, do nhà trường khuyến khích phụ huynh mua máy tính để cho học sinh có dịp thực hành nhiều trên máy, phục vụ cho việc ôn tập để lấy bằng A tin học (được cộng điểm vào kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên tôi mua một máy tính để bàn cho cháu sử dụng. Ngoài việc cho cháu trau dồi kiến thức tin học ra, còn hạn chế được chuyện cháu la cà các quán nét mỗi ngày đến nỗi bỏ ăn, đôi khi trốn học hoặc nợ tiền chủ quán nét. Tôi đưa ra quy định là mỗi ngày con chỉ được chơi khoảng 3-4 tiếng/ngày và chia khoảng cách ra chứ không được ngồi quá lâu trước màn hình máy tính. Thằng bé được máy tính mới, lại khỏi phải xách xe đạp chạy ra quán nét gần 2 cây số nên mừng lắm, ngoan ngoãn nghe lời ngay. Vậy mà không ngờ cháu đã lén lút vào các trang web đồi trụy. Có lẽ trước đây, ở những quán nét, cháu thường xuyên vào những trang web như thế này do không ai quản lý.

Internet là thế, nó vừa mang đến cho con người rất nhiều điều bổ ích nhưng cũng đầy rẫy những cạm bẫy. Mong rằng các bậc cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con cái qua việc truy cập internet để giáo dục con hướng đến cái hay, cái tốt, tạo sự trong sạch cho môi trường công nghệ thông tin. Đừng quá lơ là, chủ quan và bỏ mặc cho con cái “tung hoành” trên mạng, vì như thế vô tình đã đẩy con mình đến những thói hư tật xấu với những hậu quả khôn lường.

Nguyễn Thanh Vũ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)