Một lần, tôi trò chuyện với một học sinh lớp 10 của trường THPT nọ, em thật tình cho biết hầu như học sinh lớp nào trong trường học môn toán do thầy X. dạy đều có cùng nhận xét: Thầy khó tính và ưa la mắng những bạn học chậm biết, lâu hiểu và không thuộc bài bằng các từ ngữ khó nghe như “Em có bộ não tôm, đầu cá tra…”. Mấy từ này không được hay cho lắm, chê bai, xúc phạm học sinh mà thầy X. lại thường xuyên nói trước lớp. Vì vậy, có nhiều bạn thầy chê bai bị bạn bè trêu chọc cảm thấy buồn tủi, xấu hổ nên càng nản chí không muốn học nữa.
Em học sinh này còn cho biết thêm, từ đầu năm đến giờ mới hơn 2 tháng mà chỉ tính riêng lớp 10 em đang học đã có 4 bạn nghỉ học, trong đó 2 bạn nghỉ luôn và 2 bạn phải chuyển sang học trung tâm giáo dục thường xuyên với lý do một phần các bạn học yếu theo không kịp chương trình, một phần chịu không nổi cảnh “ngày nào thầy X. mà dạy là “khủng bố” bằng điệp từ “não tôm, đầu cá tra…”. Có bạn nói thẳng với thầy đừng la mắng học trò như vậy vì có thể làm bạn quê với bạn bè mà nghỉ học giữa chừng. Khi nghe học sinh góp ý, thầy X. đáp: “Hồi các em học cấp 1, cấp 2 khi nghỉ học một vài ngày là thầy cô đến nhà vận động cha mẹ cho đi học lại, còn giờ lên cấp 3 không còn có chuyện đó, em nào cảm thấy học không nổi hay có lý do gì nghỉ học thầy cô và nhà trường cũng không để ý quan tâm đến”.
Tôi nghĩ, thầy cô giáo hãy gần gũi, thân thiện với học trò hơn, đừng làm điều gì để các em sợ sẽ làm tình cảm thầy trò luôn có lằn ranh ngăn cách như trường hợp thầy X. trong câu chuyện này.
Trần Văn Tám
Bình luận (0)